Quốc hội 'chốt' phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, sáng 29/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo hiểm xã hội. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Theo Luật vừa được thông qua, về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động là công dân Việt Nam đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; Ra nước ngoài để định cư; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.

Nếu thuộc trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm; Sĩ quan, quân nhân, học viên quân đội, công an, cơ yếu, dân quân thường trực... khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu cũng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam; Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, ngày 18/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 87,32% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn Phương án 1; có 38/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 10,70% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn Phương án 2; có 07/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 1,97% đại biểu cho ý kiến) không lựa chọn 1 trong 2 phương án mà đề xuất phương án khác.

Theo đa số ý kiến tham gia của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo Phương án 1. Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 141 điều, (tăng 01 chương và 05 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành).

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/quoc-hoi-chot-phuong-an-huong-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan.html