Quốc hội cùng Chính phủ khơi thông nguồn lực phát triển Kỳ 1: Giám sát để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách

Thời gian qua, nhất là năm 2023, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả. Qua đó, chỉ ra được những quy định không còn phù hợp để kịp thời điều chỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đưa cuộc sống vào trong các đạo luật

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng để phát triển đất nước bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó, đột phá chiến lược đầu tiên được đề cập chính là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển”, Nghị quyết nêu rõ.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XV diễn ra đầu tháng 11/2021, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã chỉ rõ, thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Trong đó, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật. Nhấn mạnh yêu cầu về chất lượng các dự án luật, Chủ tịch QH cho rằng, chất lượng các đạo luật phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. “Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống được”, Chủ tịch QH nói.

Nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV, là “ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch QH nêu bật yêu cầu tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong các lĩnh vực, kịp thời ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 như pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, tài chính ngân sách, thuế…

Nhận diện những văn bản còn bất cập

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ QH khóa XV, có thể khẳng định, QH đã và đang không ngừng đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nâng cao vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Trong đó, cùng với các hoạt động giám sát khác, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được QH quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả, thể hiện được những dấu ấn rõ nét, góp phần vào những thành công chung của hoạt động của QH.

Đầu tiên phải kể đến là việc năm 2022, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát VBQPPL của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH. Đây là lần đầu tiên UBTVQH ban hành Nghị quyết nhằm hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giám sát, thời gian, cách thức tiến hành giám sát VBQPPL, làm cơ sở cho việc tiến hành giám sát bài bản, thường xuyên, thống nhất ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL và thi hành pháp luật; đưa công tác giám sát VBQPPL đi vào nền nếp.

Trên cơ sở Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15, thời gian qua, việc giám sát VBQPPL đã được Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất theo đúng quy định. Thông qua các cuộc giám sát chuyên đề, các Đoàn giám sát của QH, UBTVQH đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật liên quan đến chuyên đề được giám sát, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, góp phần bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, kịp thời của hệ thống văn bản.

Điển hình, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, QH đã giám sát tối cao về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ rõ tình trạng chậm ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền quản lý hoặc văn bản có nội dung chưa rõ ràng, làm ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình

“Hiện còn 6 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn theo quy định của Nghị quyết 25/2021/QH15 của QH; 7 địa phương chưa ban hành cơ chế tổ chức hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; 4 địa phương chưa ban hành cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; 9 địa phương chưa ban hành quy trình thủ tục, biểu mẫu thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất”, Báo cáo chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng khẳng định còn tình trạng VBQPPL khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác. Dẫn chứng được nêu ra là Thông tư số 15/2022/TT-BTC (nay sửa đổi, thay thế bằng Thông tư số 55/2023/TT-BTC) có điều, khoản dẫn chiếu đến lần thứ 4 trong các Thông tư của Bộ Tài chính.

Từ việc xác định cụ thể những vướng mắc, bất cập, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ để triển khai đầy đủ cơ chế, nguyên tắc, nội dung chính sách trong các Nghị quyết của QH về phê duyệt Chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. (còn nữa)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: PV)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: PV)

Thể hiện rõ chính kiến, phối hợp nâng cao chất lượng văn bản

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, thời gian qua, hoạt động lập pháp của QH đã đi vào chiều sâu, với nhiều kết quả nổi bật. Có được thành tựu này một phần là nhờ sự đồng hành, phối hợp ăn khớp, nhịp nhàng của QH, các ủy ban của QH với Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản luật. “Tôi đánh giá rất cao công tác giám sát VBQPPL của QH, các cơ quan của QH trong thời gian qua. Trong quá trình xây dựng các dự án Luật, Chính phủ đã thảo luận rất kỹ, rất chín các nội dung nhưng khi trình qua UBTVQH, được UBTVQH cho ý kiến, Chính phủ đã tiếp tục có những chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện dự án Luật”, Đại biểu nói.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, có thể thấy rõ, trong công tác lập pháp năm 2023, các ủy ban thẩm tra của QH đã thể hiện rất cụ thể, rõ ràng, rành mạch quan điểm. Trong trường hợp ý kiến của các ủy ban thẩm tra hoặc ý kiến của UBTVQH có khác với ý kiến của Chính phủ, hồ sơ dự án Luật khi trình ra QH nêu rất rõ nội dung nào là của Chính phủ trình, nội dung nào là của ủy ban thẩm tra để các đại biểu QH thảo luận, tìm ra phương án thích hợp nhất. “Đây là cách làm rất hay, cần phát huy trong thời gian tới. Sự phối hợp, nhịp nhàng, chuẩn bị từ sớm từ xa của cơ quan soạn thảo, các ủy ban của QH, QH giúp cho chất lượng các văn bản đạt được chất lượng cao nhất khi trình ra QH”, Đại biểu nói.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5, để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, QH đã quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của QH, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công… Thông qua việc rà soát, xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… Qua đó, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp; kiến nghị QH, UBTVQH sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quoc-hoi-cung-chinh-phu-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-ky-1-giam-sat-de-giai-quyet-can-co-nhung-bat-cap-cua-co-che-chinh-sach-post497447.html