Quốc hội đồng ý làm đường sắt tốc độ cao, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035
Chiều nay (30/11), với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Nghị quyết được thông qua chiều 30/11 với 443/454 đại biểu có mặt tán thành; 7 người không tán thành; 4 người không biểu quyết.
Quốc hội quyết nghị, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.
Đi qua 20 địa phương, có 23 ga
Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm).
Chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.
Với việc đầu tư mới tuyến đường đôi khổ 1.435mm, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dọc tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Theo tính toán, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha và các loại đất khác khoảng 4.605ha. Số dân tái định cư sơ bộ khoảng 120.836 người.
Theo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD) từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Việc đầu tư dự án sẽ hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng; Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức; tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhiều cơ chế đặc thù làm đường sắt tốc độ cao
Quốc hội cũng quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đó là trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.
Thủ tướng cũng được quyết định huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án mà không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn.Người đứng đầu Chính phủ được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.
Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Chọn doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ
Theo nghị quyết, tổ chức cá nhân chủ trì hoạt động khoa học công nghệ phục vụ dự án được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án. Nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án cũng được miễn thuế thu nhập.
Tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao cho dự án được hưởng ưu đãi về công nghệ cao.
Quốc hội cho phép Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể cung cấp.
Với gói thầu đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có cam kết về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.
Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư được quyết định phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án.
Địa phương được giữ lại 50% tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga
Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong quá trình vận hành, khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.
Về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, UBND cấp tỉnh được quyết định các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.
Đối với số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách Nhà nước đầu tư cho dự án.
Các tỉnh cũng được điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo nhu cầu dự án mà không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh, không phải lập dự án, không phải thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Quy định này áp dụng với các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn nhưng còn trữ lượng và chưa đóng cửa mỏ.
Với mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, cấp tỉnh được điều chỉnh, bổ sung vào phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh mà không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh.
Nghị quyết cho phép tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ dự án không phải làm thủ tục cấp giấy phép khai thác với cả mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản và báo cáo đánh giá tác động môi trường mà thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
Với các mỏ đã khai thác hết trữ lượng, chủ đầu tư đề xuất UBND cấp tỉnh bổ sung mới các mỏ vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.