Quốc hội giám sát về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại TPHCM

Ngày 28-7, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đoàn do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội làm phó đoàn.

Về phía TPHCM, có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhiều vướng mắc, bất cập trong quy định

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo đoàn giám sát, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại TPHCM trong giai đoạn trên đã đạt được những kết quả khá tích cực. Hơn hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng, TPHCM đã thực hiện tiết giảm các khoản chi, trong đó cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách, chi hội họp, công tác… để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách an sinh trên địa bàn.

Trong số các tồn tại hạn chế, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến vấn đề đất đai, việc chậm phê duyệt phương án giá đất, thủ tục gia hạn hợp đồng thuê đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa. Bên cạnh đó là việc sử dụng mặt bằng không hiệu quả, cho thuê lại, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án được duyệt hoặc quyết định cho thuê đất, bỏ trống không sử dụng nhưng chậm thu hồi…

Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc. Pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công cũng chưa có quy định việc cho thuê tài sản được giao cho các đơn vị quản lý, giữ hộ nên khi triển khai gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Đồng chí Phan Văn Mãi thảo luận trước buổi họp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí Phan Văn Mãi thảo luận trước buổi họp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc chậm cổ phần hóa trong một số trường hợp cụ thể cũng được xem là làm chậm đi cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đối với đầu tư công, thủ tục kéo dài làm tăng mức đầu tư; mặc dù tình trạng dàn trải dần khắc phục nhưng vẫn còn do số lượng dự án và nhu cầu vốn đầu tư quá lớn. Nhiều vướng mắc khi chuyển sang thực hiện chính quyền đô thị chậm được giải quyết, mặc dù đã được dự liệu sẽ phát sinh.

Từ đó, TPHCM kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2021 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các thành viên đoàn giám sát và các đại biểu TPHCM đi sâu phân tích những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo của chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ các cuộc giám sát tại các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, phải chăng công tác dự báo chiến lược tầm quốc gia, tầm TPHCM là chưa tốt? Khi ban hành các chính sách pháp luật, định mức tiêu chuẩn của các cấp, có hay không việc không đánh giá đầy đủ tác động?

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu: Chúng ta nói “một cửa”, nhưng nhiều nơi vẫn râm ran “trung ương nhiều cửa lắm”, có hay không? Một vấn đề phải xin ý kiến nhiều bộ ngành, đưa qua đưa lại không quyết định được. Theo đồng chí, nếu có việc này thì trung ương phải nhận khuyết điểm và sửa.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Quang Phương cũng đề nghị các đại biểu phân tích ứng xử của các cơ quan chức năng với các dự án đang trong giai đoạn thanh tra, điều tra.

“Thủ tướng có khẳng định quan điểm là không hợp thức hóa hành vi vi phạm, nhưng phải đảm bảo tính kế thừa để tạo động lực phát triển. Vậy có hay không việc nắm tình hình, giám sát, thanh tra điều tra với nhiều phương pháp không phù hợp, gây ức chế và tiêu cực trong đội ngũ cán bộ. Rất mong những vấn đề trên có ý kiến từ cơ sở, để đoàn có cơ sở tổng hợp làm việc với các cơ quan trung ương”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Đất đai là vấn đề nổi cộm của TPHCM

Trong khi đó, báo cáo kết quả rà soát sơ bộ qua làm việc bước đầu với UBND TPHCM, đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, tổ trưởng tổ công tác đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của TPHCM giai đoạn 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả. Các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên trong suốt 5 năm đều đạt và vượt.

Theo đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TPHCM là vấn đề nổi cộm, cũng là vấn đề khó, nhiều trường hợp do lịch sử để lại, do hậu quả của các nhiệm kỳ trước. Một số vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý của TPHCM, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và do chính sách, pháp luật.

Đồng chí Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Tuy nhiên, tổ công tác cho rằng, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, TPHCM cần kịp thời, quyết liệt hơn”, đồng chí nhấn mạnh. Một số nội dung cụ thể được tổ công tác nêu ra, đó là cần xử lý dứt điểm các trường hợp dự án “treo”, quy hoạch “treo”, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch.

Cùng với đó, TPHCM tuyệt đối không bố trí quỹ đất cho các mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế do không lường hết những khó khăn trong quá trình thi công giải phóng mặt bằng, huy động vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng cho rằng TPHCM cần triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về mặt tài chính.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã góp ý cho TPHCM nhiều nội dung trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. ĐB Lê Thanh Vân cho rằng TPHCM cần được tự chủ về bộ máy; tự chủ về cơ chế và tự chủ về đầu tư. Những nội dung này có thể tác động đến mô hình quản lý, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm thời gian và cả con người.

Cũng theo ĐB này, TPHCM cần tổng kết đánh giá lại việc sử dụng quỹ đất, cấp giấy phép đầu tư các dự án, nhất là các dự án bất động sản. Vừa qua nhiều dự án bất động, không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn làm cho dòng vốn đóng băng.

Trong khi đó, có ý kiến ĐB cho rằng tắc nghẽn giao thông, ngập úng gây thiệt hại lớn cho xã hội, mà tình trạng này bắt nguồn từ yếu kém trong quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, xây dựng. Theo ĐB, cần nhìn nhận đây là yếu tố gây lãng phí và cần tập trung khắc phục.

Một số ĐBQH cũng đánh giá cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của TPHCM. ĐB Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao việc 100% các đơn vị sự nghiệp công lập ở TPHCM đã thực hiện tự chủ về tài chính, nguồn kinh phí của nhà nước cấp cho các đơn vị này giảm dần.

ĐB Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá cao hoạt động đối ngoại của TPHCM thông qua việc đầu tư ra nước ngoài, chẳng hạn như việc xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnopenh ở Campuchia.

Báo cáo của đồng chí Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra một số nội dung, như một số dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm giảm hiệu quả nguồn vốn, lãng phí ngân sách nhà nước.

Đó là các Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành, đội vốn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10-2020 nhưng TPHCM báo cáo thời gian hoàn thành đưa vào khai thác dự kiến phải đến năm 2030. Dự án này cũng đội vốn từ hơn 26.100 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 47.800 tỷ vào năm 2018.

Về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, báo cáo chỉ ra, bên cạnh kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020 một số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố đã có nhiều sai phạm, có sai phạm phải xử lý hình sự, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Thanh tra TPHCM đã thực hiện gần 200 cuộc thanh tra, phát hiện 166 đơn vị sai phạm, với hơn 115 tỷ đồng. Nhiều sai phạm của công ty nhà nước đã bị Thanh tra TPHCM phát hiện và đã được chuyển cơ quan điều tra. Các sai phạm chủ yếu trong quản lý đất đai, quản lý ngân sách, vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp gây thất thoát rất lớn. Nhiều cá nhân bị xử lý, trong đó có xử lý hình sự.

Ngoài ra, số cơ sở nhà đất chưa được xử lý hoặc chưa có phương án tiếp tục sử dụng, còn để sử dụng trái mục đích khá lớn…

Trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, 2 dự án mà tổ công tác thực hiện khảo sát gồm dự án Khu đô thị Nam TPHCM và Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đều có quy mô rất lớn nhưng sau rất nhiều năm, vẫn dở dang với nhiều vướng mắc, đất đai bỏ hoang, lãng phí rất lớn.

NGÔ BÌNH - MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//quoc-hoi-giam-sat-ve-cong-tac-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-tai-tphcm-830485.html