Quốc hội họp trực tuyến: Mô hình thích hợp cho tương lai?
Sau 8 ngày họp trực tuyến, Quốc hội đã hoàn thành đợt 1 chương trình kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa 14).
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu khẳng định: Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.
“Các phiên họp trực tuyến của Quốc hội đạt kết quả tốt, thậm chí còn thuận lợi hơn so với họp tập trung”, đó là cảm nhận chung của nhiều đại biểu trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa 14 theo hình thức trực tuyến. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn An Giang đánh giá.
Từ Hội trường Diên Hồng, đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tất cả các hoạt động phát biểu, tranh luận của đại biểu đều được thực hiện thông suốt bằng công nghệ thông tin, nên không ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng khẳng định: không khí tranh luận không khác gì họp tập trung: “Đại biểu vẫn giơ biển tranh luận hoặc đăng ký để tranh luận và không chỉ là đại biểu tại hội trường Diên Hồng mà ngay cả ở địa phương cũng tranh luận được. Thậm chí có nhiều phiên họp mà tôi thấy đại biểu địa phương còn đăng ký trước các đại biểu ở Trung ương. Nói chung là tôi thấy thuận lợi”.
Còn đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh thì cho rằng: “Không làm giảm, cũng không mất đi quyền tranh luận. Ở dưới vẫn có thể tranh luận, nhưng mà tranh luận với tinh thần là phải bấm nút báo Trung ương biết vì người điều hành không thể kiểm soát được một lúc tất cả các đại biểu giơ biển tranh luận, không thể nhìn thấy hết được. Cho nên việc anh muốn tranh luận thì anh phải báo để có thể kết nối”.
Trong suốt thời gian diễn ra đợt 1 của kỳ họp thứ 9, các đại biểu cho rằng, chỉ có một vài khó khăn nhỏ đó là khi đầu giờ đường truyền hơi trục trặc và hơi chậm. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục được trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, nếu Quốc hội tiếp tục tổ chức họp theo hình thức trực tuyến rất phù hợp, tiết kiệm cho ngân sách, tạo điều kiện cho các đại biểu kiêm nhiệm, đặc biệt là ở địa phương trong giờ hành chính họp Quốc hội, ngoài giờ thì vẫn có thể xử lý được công việc.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình nhấn mạnh: “Tôi hy vọng trong kỳ họp Quốc hội sau phải tính một số phiên, một số thời gian họp trực tuyến để giảm bớt thời gian đi lại, giảm bớt chi phí nhưng vẫn đạt yêu cầu, hiệu quả. Như vậy hướng tới phương thức làm việc hiện đại nhưng vẫn đảm bảo quyền, sự tương tác giữa các đại biểu."
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Tuy họp trực tuyến, nhưng vẫn đảm bảo mọi phương thức thực hiện như tại nhà Quốc hội. Đó là việc biểu quyết vẫn bình thường. Tất cả 63 đầu cầu biểu quyết bằng thiết bị thông minh và chuyển về phòng Diên Hồng qua màn hình 1 phút. Đại biểu đăng ký phát biểu cũng vẫn bình thường, tranh luận bình thường. Vì thế dù họp trực tuyến, nhưng vẫn theo quy định. Đây là cái mới và cũng là tiền đề nghiên cứu cải tiến cách thức họp, rút ngắn chương trình kỳ họp”.
Với sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 9, quốc hội khóa 14 lần đầu tiên triển khai kỳ họp bằng hình thức trực tuyến rất hiệu quả. Đây là mô hình thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này đảm bảo tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả, đảm bảo cho Quốc hội có thể họp bất cứ lúc nào, trong bất cứ bối cảnh nào, trong những trường hợp cần thiết Quốc hội đưa ra những quyết sách về những vấn đề hệ trọng của đất nước./.