Quốc hội Mỹ báo cáo gì về sự bành trướng của hải quân Trung Quốc?
Mùa thu năm ngoái, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đã trở thành công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, với 310.000 nhân viên trải khắp 137 tổ chức nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và công ty niêm yết. Tập đoàn có tổng tài sản trị giá 790 tỷ nhân dân tệ (112,41 tỷ USD), là kết quả của việc sáp nhập hai doanh nghiệp đóng tàu nhà nước, Công ty công nghiệp tàu thủy Trung Quốc và Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc
Đây được coi là mối quan tâm lớn đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, vì sáp nhập hai công ty lớn cho phép Trung Quốc tăng tốc phát triển các công nghệ đóng tàu, các máy bay liên quan, cho phép Bắc Kinh xây dựng binh chủng "hải quân nước xanh" đầy ấn tượng.
Theo báo cáo mới của Quốc hội Mỹ có tiêu đề "Hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc: Tác động đối với năng lực của Hải quân Mỹ - Bối cảnh và Vấn đề của Quốc hội", các nỗ lực của Trung Quốc bao gồm một loạt các chương trình mua sắm vũ khí bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay, phương tiện không người lái (UV) và hỗ trợ các hệ thống C4ISR (chỉ huy và điều khiển, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát).
Đây không phải là sự phát triển hoàn toàn mới. Tuy nhiên Trung Quốc đã liên tục hiện đại hóa hải quân trong 25 năm, kể từ giữa những năm 1990, và nó đã trở thành một lực lượng quân sự đáng gờm trong các khu vực gần biển của Trung Quốc. Nó đã được chuyển đổi từ hải quân "nước xanh lá cây" - một lực lượng chủ yếu phòng thủ bờ biển sang đội quân hoạt động ở biển xa - “hải quân nước xanh dương”.
Hải quân Giải phóng quân Nhân dân (PLAN) đã nâng cấp công nghệ và từ năm 1989 đã chuyển từ một lực lượng hải quân gồm các tàu khu trục lỗi thời và các tàu tấn công nhanh sang một lực lượng hiện sở hữu hai tàu sân bay, ba tàu vận tải đổ bộ, 25 tàu khu trục, 42 tàu khinh hạm, tám tàu ngầm tấn công hạt nhân và khoảng 50 tàu ngầm tấn công thông thường.
Ngoài ra, những nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc cũng bao gồm những cải tiến về bảo trì và hậu cần, học thuyết, chất lượng nhân sự, giáo dục, đào tạo và tập trận.
Mặc dù không phải là một cuộc chạy đua vũ trang thực sự, Washington và Bắc Kinh hiện đang trong một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn trong thế kỷ 21.
"Thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia Mỹ trong 30 năm tới là tốc độ và sự bền vững trong nỗ lực của Trung Quốc triển khai một đội hải quân toàn cầu", đại úy James Fanell, cựu trưởng phòng tình báo Hạm đội Thái Bình Dương, nói với National Defense.
Hải quân Mỹ đã thực hiện một số việc trong những năm gần đây nhằm chống lại các nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh, bao gồm thay đổi số lượng tàu chiến của họ ở Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ đã phái đến khu vực các tàu và máy bay mới uy lực nhất, cùng với các nhân viên giỏi nhất, duy trì hoặc tăng hoạt động hiện diện chung.
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã bắt đầu chuyển đổi để trở thành lực lượng gọn nhẹ hơn và nhanh hơn để có thể chiến đấu với Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, một mối quan tâm khác là Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất đang tìm cách mở rộng khả năng hải quân. Nga cũng đang hiện đại hóa Hải quân, vì vậy trong tương lai Hải quân Mỹ có thể tiếp tục buộc phải đối mặt với các mối đe dọa khu vực và toàn cầu.