Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về dự luật NDAA bất chấp đe dọa phủ quyết

Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp lời đe dọa phủ quyết của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong ngày 8/12, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật quốc phòng mới, dự luật đầu tiên trong ba văn kiện lớn mà Quốc hội đang xem xét giải quyết trong tháng này.

Theo báo Washington Post, dự luật mang tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hằng năm (NDAA) trị giá 740,5 tỉ USD nhằm giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công.

Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế.

Hạ nghị sĩ Mac Thornberry thuộc Đảng Cộng hòa, người bảo trợ chính của dự luật NDAA, cho biết sự ủng hộ mạnh mẽ có thể giúp văn kiện này nhanh chóng được thông qua khi Quốc hội xem xét phê duyệt ngân sách liên bang và một gói cứu trợ mới nhằm vực dậy nền kinh tế bị tàn phá do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quan chức này cũng nhấn mạnh việc có càng nhiều nghị sĩ ủng hộ dự luật NDAA sẽ giúp văn kiện này vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith, một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, tuyên bố nếu tổng thống phủ quyết NDAA, các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để đảo ngược quyết định này.

Ngày 1/12 vừa qua, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ phủ quyết dự luật NDAA nếu văn kiện này không bao gồm điều khoản loại bỏ Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ các công ty Internet. Tổng thống Trump và các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã nhiều lần kêu gọi hủy bỏ điều luật này “vì mục đích an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, ông Thornberry cho rằng việc thông qua dự luật quốc phòng mới không nên bị trì hoãn chỉ vì các tranh cãi chính trị không liên quan. Theo hạ nghị sĩ này, Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông cần được giải quyết nhưng trong một trường hợp khác và theo cách khác.

* Trong tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời, qua đó cho phép các nhà lập pháp có thêm thời gian đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế và dự luật chi tiêu tổng quát nhằm tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa.

Các nhà lập pháp tại thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ phải nhất trí về biện pháp cấp ngân sách tạm thời trước ngày 11/12, khi nguồn tài trợ hiện tại cho các cơ quan liên bang sắp hết hạn.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell hy vọng có thể "đính kèm" khoản cứu trợ nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với dự luật chi tiêu chung trị giá 1.400 tỉ USD.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến sự thống nhất, trên trang Twitter cá nhân ngày 7/12, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại hạ viện Steny Hoyer bày tỏ thất vọng khi các nghị sĩ hai đảng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về kế hoạch chi tiêu chính phủ.

Ông Hoyer cho biết dự kiến trong ngày 9/12 tới, hạ viện sẽ bỏ phiếu về biện pháp chi tiêu ngắn hạn để duy trì hoạt động cho chính phủ thêm một tuần, trong khi các cuộc đàm phán được tiếp tục.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ McConnell thông báo thượng viện cũng chuẩn bị bỏ phiếu thông qua biện pháp này nhằm tạo điều kiện cho các nghị sĩ có thêm một tuần để đàm phán, song không nói rõ thời gian cụ thể.

Nỗ lực của hai đảng nhằm cứu trợ cho các gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vẫn chưa đạt kết quả do sự khác biệt trong ưu tiên của mỗi bên. Đảng Dân chủ muốn hỗ trợ các chính quyền bang và địa phương, trong khi phía Đảng Cộng hòa muốn bảo vệ các doanh nghiệp khỏi các vụ kiện liên quan đến đại dịch.

Trước đó, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng thuộc Thượng viện và Hạ viện Mỹ dự kiến trong ngày 7/12 công bố nội dung cụ thể của dự luật trị giá 908 tỉ USD nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, người lao động thất nghiệp, ngành hàng không cùng nhiều ngành khác đang chật vật trong đại dịch. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và đội ngũ của họ đã không hoàn thành được dự luật này vào cuối tuần trước.

Dù vậy, vẫn xuất hiện một dấu hiệu khá khả quan từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết các cuộc đàm phán về gói cứu trợ đang đi đúng hướng, đồng thời khẳng định Chính quyền của Tổng thống Trump và Quốc hội đang tiến gần hơn đến thỏa thuận.

L.H (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249786/quoc-hoi-my-bo-phieu-ve-du-luat-ndaa-bat-chap-de-doa-phu-quyet.html