QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN NĂM 2019

Sáng ngày 04/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo công tác thi hành án năm 2019.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác thi hành án năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về kết quả thi hành án dân sự năm 2019, tổng số việc phải thi hành: 960.656 việc. Trong đó: Số việc có điều kiện thi hành là 737.979 việc. Số việc thi hành xong là 579.888 việc (tăng 8.180 việc).

Tổng số tiền phải thi hành: trên 251.435 tỷ đồng. Trong đó: Số tiền có điều kiện thi hành là trên 148.903 tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 52.808 tỷ đồng (tăng trên 18.287 tỷ đồng).

Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, đã thực hiện theo dõi 637 việc; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 605 việc; đăng tải công khai 113 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 283 việc; kiến nghị xử lý đối với 71 trường hợp. Đã thi hành xong 298 việc, trong đó thi hành xong 37/50 việc người phải thi hành án là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sai sót, vi phạm trong nghiệp vụ thi hành án dân sự (25 trường hợp). Chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành án hành chính. Kết quả tổ chức thi hành các việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo trước Quốc hội

Về nguyên nhân chủ yếu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao (tăng 97,21% về tiền); số việc, tiền tồn đọng nhiều năm, chưa có điều kiện thi hành ngày càng lớn; nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng giá trị phải thi hành rất lớn nhưng tài sản bảo đảm giá trị quá thấp.

Trên 90% các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, có tính chất phức tạp. Năng lực, kỹ năng làm việc của một số Chấp hành viên còn hạn chế; trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở một số địa phương chưa cao.

Về công tác thi hành án hình sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong thi hành án phạt tù đã tổ chức 2.702 lớp giáo dục pháp luật; 3.358 lớp giáo dục công dân; 262 lớp dạy văn hóa và xóa mù chữ cho 3.599 phạm nhân; 695 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS. Đã lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 260 phạm nhân; làm thủ tục đề nghị giảm thời hạn cho 90.380 phạm nhân. Lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 2.174 phạm nhân. Công an các địa phương đã tiếp nhận và tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục đối với 4.614 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn: Hiện còn 43.177 trường hợp. Đã lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm hình phạt, rút ngắn thời gian thử thách cho 4.475 trường hợp.

Bên cạnh đó, công tác theo dõi quản lý người bị kết án tù được tại ngoại, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù còn hạn chế; công tác giám sát người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn chưa có bước đột phá; một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm thực hiện nhiệm vụ tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP.

Nguyên nhân chủ yếu được Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra là do số lượng người bị kết án tăng, thành phần phức tạp; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giam giữ hạn chế; công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn, công tác tái hòa nhập cộng đồng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp ở một số địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số kết quả, tồn tại hạn chế và nguyên nhân của công tác thừa phát lại và giám định tư pháp.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo công tác thi hành án năm 2019

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo công tác thi hành án năm 2019

Về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Thi hành án dân sự; Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan; hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về đăng ký tài sản; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp; sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Hoàn thành các nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính được Quốc hội giao. Triển khai quyết liệt việc kiểm tra công tác thi hành các vụ việc trọng điểm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc tín dụng, ngân hàng.

Hai là, hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại; nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề Thừa phát lại; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội; triển khai thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019; thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp nhận, quản lý, giám sát giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; hoàn thành các dự án xây dựng trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và các dự án trang bị phương tiện, kỹ thuật; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy mô giam giữ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác thi hành án hình sự.

Ngay sau khi nghe trình bày các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung này./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42664