Quốc hội phải giám sát để không xảy ra lạm quyền

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng Quốc hội sẽ phải giám sát công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật để không xảy ra lạm quyền, không phát sinh giấy phép con hay thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn.

Đổi mới tư duy xây dựng luật thì giám sát cũng phải đổi mới theo

Chiều 22-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng công tác giám sát cũng phải có đổi mới theo đổi mới tư duy xây dựng luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng công tác giám sát cũng phải có đổi mới theo đổi mới tư duy xây dựng luật.

Phát biểu tại Tổ 10, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhắc lại quan điểm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước coi đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là yêu cầu bắt buộc, là điều kiện, nền tảng đưa đất nước bứt phá, cất cánh trong kỷ nguyên mới.

Với tư duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự báo công việc xây dựng pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ nhiều lên, hệ thống văn bản pháp luật có thể phải sắp xếp lại theo hướng giảm tầng nấc như yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa xây dựng pháp luật với các lĩnh vực khác. Cùng với đó, bên cạnh chức năng lập pháp của Quốc hội, thì chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng phải đổi mới theo.

Quốc hội ban hành văn bản luật ngắn gọn thì hướng dẫn quy định chi tiết sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ. Quốc hội sẽ phải giám sát để không xảy ra lạm quyền, không phát sinh giấy phép con hay thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp tổ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp tổ.

Giải quyết “đến nơi, đến chốn” vấn đề được giám sát

Phát biểu tại Tổ 12, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm cần rà soát, xác định đầy đủ nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát. Quy định nguyên tắc phải theo hướng tôn trọng, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cần quy định rõ ràng nguyên tắc về chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát một cách khoa học, chặt chẽ, đúng thẩm quyền và trách nhiệm để giải quyết "đến nơi, đến chốn" những vấn đề cốt yếu nhất, bức xúc nhất và những vấn đề đang nổi lên đã được giám sát.

Phát biểu tại Tổ 3, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị quy định cụ thể chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/quoc-hoi-phai-giam-sat-de-khong-xay-ra-lam-quyen-804134