Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều dự án luật và chủ trương quan trọng

Đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20 đến ngày 30/11, với trọng tâm là công tác lập pháp. Trong gần 2 tuần làm việc, Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết cũng như quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền, đồng thời thảo luận về một số dự án luật lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp sáng 20/11. Ảnh: Phạm Thắng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp sáng 20/11. Ảnh: Phạm Thắng

Trong đợt này, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 2 dự án luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Một số dự thảo nghị quyết cũng được Quốc hội cho ý kiến trên hội trường, như: Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về các dự án luật, gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số...

Bổ sung quy định nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi công tác tại vùng có điều kiện khó khăn

Ngày 20/11, nội dung mở đầu của Kỳ họp đợt 2 là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, tại phiên thảo luận, có 36 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến, trong đó, có 4 lượt ĐBQH tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: bố cục của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; vị trí, vai trò của nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; đạo đức nhà giáo; chế độ làm việc của nhà giáo...

Quan tâm đến quy định: Nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tại khoản 2, Điều 28 của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể, hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.

Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a, khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tại phiên thảo luận, có 13 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến và 2 lượt ĐBQH tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, giải quyết các vướng mắc đối với phần diện tích đất hiện nay không phải là đất ở nhưng có gắn một phần đất ở, đặc biệt là ở những khu đô thị, vùng đô thị, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại phiên họp sáng 21/11. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại phiên họp sáng 21/11. Ảnh: Phạm Thắng

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, việc Quốc hội ban hành thêm nghị quyết này sẽ là cơ sở khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Liên quan đến việc cho phép thí điểm với đất quốc phòng, đất an ninh, đại biểu cho biết, đây là loại đất đã được quy định rất chặt chẽ trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Hiện nay đã có thêm Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Đây là những cơ chế để chăm lo đời sống cho các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như phát huy giá trị, hiệu quả đất quốc phòng - an ninh.

Bày tỏ sự ủng hộ cho thí điểm, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông qua danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm đồng thời với việc thông qua danh mục, công trình, dự án thu hồi đất để chủ động. Khi triển khai các dự án cũng phải theo các quy định chung của nghị quyết này, thực hiện sắp xếp tài sản công như Luật Đất đai, Luật Nhà ở... để bảo đảm tính chặt chẽ. Theo đại biểu, khi nghị quyết thông qua cũng cần có những nguyên tắc để có một thị trường bất động sản lành mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tránh tạo ra sốt đất, vi phạm pháp luật.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm đã được quy định tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên việc không giới hạn điều kiện (diện tích, quy mô dự án....) là quá rộng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tổ chức đánh giá, khảo sát nhu cầu sử dụng đất làm nhà ở nói chung và nhu cầu sử dụng nhà ở thương mại nói riêng để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội quy định hợp lý, đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, phù hợp với nhu cầu và hiệu quả trên thực tế.

PV (Tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-xem-xet-quyet-dinh-nhieu-du-an-luat-va-chu-truong-quan-trong-post483785.html