Quốc hội sẽ tổ chức Kỳ họp bất thường thứ hai vào tháng 1.2023
Sáng 28.11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 17, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội.
Nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng từ thành công Kỳ họp thứ Tư
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất cao, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. Quốc hội đã xem xét, thông qua 6 luật, 13 nghị quyết; thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật; giám sát tối cao 1 chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.
Những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra để các cơ quan, tổ chức có cơ sở triển khai, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.
“Kết quả của kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.
Về mội số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất, tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII; triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm bảo đảm chất lượng và tiến độ. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, từ sớm, từ xa giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao trách nhiệm để thực hiện tốt công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; khắc phục triệt để việc chậm tiến độ tài liệu, trước mắt là khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai và chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ Năm.
Khẩn trương hoàn thành chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp bất thường
Về tổ chức Kỳ họp Bất thường lần thứ Hai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại văn bản số 7828/VPCP-QHĐP, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung sau: xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV; xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách; cho ý kiến về 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai do chưa chuẩn bị kịp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản về các nội dung trên và nhận thấy: nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT được Chính phủ đề xuất chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để thực hiện, do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. 3 dự án Luật được Chính phủ đề nghị đưa ra cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai cũng chưa được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 2023, do đó, đề nghị thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Lưu ý hiện nay một số nội dung Chính phủ đề xuất nhưng Văn phòng Quốc hội chưa nhận được hồ sơ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, sau khi có đủ hồ sơ, tài liệu bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung cũng như việc tổ chức Kỳ họp Bất thường lần thứ Hai và quyết định triệu tập kỳ họp.
Về thời gian và hình thức họp, căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất hai phương án. Phương án thứ nhất, trường hợp toàn bộ nội dung trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12.2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2.2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Phương án thứ hai, nếu toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12.2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp dự kiến trong tháng 1.2023 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp bất thường để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
Liên quan đến công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày thứ Hai 22.5.2023. Dự kiến tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật; xem xét, quyết định nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác...
Chỉ đưa vào chương trình những vấn đề quan trọng, cấp thiết
Cho ý kiến tại Phiên họp, về tổng kết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, với việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Quốc hội đã giải quyết một khối lượng lớn công việc, thời gian được rút ngắn hơn so với thường lệ nhưng vẫn nâng cao chất lượng. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nhiều luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua. Trong đó, cử tri đặc biệt đánh giá cao quyết sách của Quốc hội về tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương hiện hành); tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Bên cạnh ba bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bổ sung kinh nghiệm về việc sử dụng đồng hồ đếm ngược để các đại biểu Quốc hội biết thời điểm đăng ký, bảo đảm minh bạch quá trình đăng ký phát biểu. Cũng theo nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, các đại biểu Quốc hội phát biểu rất trách nhiệm, trí tuệ, có tính xây dựng. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện tốt; chủ tọa điều hành phiên họp hài hòa, linh hoạt; các bộ trưởng được tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị cho phần trả lời của mình.
Về Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tổ chức vào tháng 1.2023, với ba nội dung quan trọng và mang tính cấp thiết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Tổng kết việc thực hiện Khoản 3, Nghị quyết số 30 của Quốc hội và xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ Hai được tổ chức trong thời gian ngắn, nhiều nội dung khác được Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình kỳ họp chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, ba nội dung nêu trên là những vấn đề quan trọng, có tác động mạnh đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân nên cần được trình Quốc hội xem xét, quyết định sớm.
Phát biểu kết luận phiên họp về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo về Tổng kết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV; giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu bế mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến các đại biểu Quốc hội, báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả tiếp xúc cử tri để hoàn thiện Báo cáo này gửi sớm cho đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Về Kỳ họp thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với khối lượng công việc đã được dự kiến, Chính phủ cần bám sát vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các phiên họp thường kỳ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp.
Về tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về nguyên tắc, tại kỳ họp bất thường chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Chính phủ dù nhận thấy có bao nhiêu nội dung, vấn đề cần đưa ra Quốc hội xem xét, quyết định đều cần bám sát nguyên tắc này, để bảo đảm trình ra những nội dung cấp bách, nếu chưa phải cấp bách, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì không trình tại Kỳ họp này.
“Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ủng hộ trình Quốc hội xem xét các cơ chế, chính sách này. Vấn đề quan trọng là có chuẩn bị kịp không, bảo đảm thời gian cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, không thể dục tốc bất đạt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trong tuần đầu của tháng 1.2023, sau khi nghỉ Tết dương lịch sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ Hai. Về cách thức tổ chức, do hiện có hai phương án họp trực tuyến hoặc họp tập trung, nên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “vấn đề này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng và có quyết định trong thời gian tới”.
Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội đã thông qua; xây dựng kế hoạch để triển khai trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các luật và nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.