Quốc hội thảo luận đề xuất miễn học phí cho con giáo viên | Hà Nội tin mỗi chiều

Con giáo viên được đề xuất miễn học phí là thông tin vừa được đưa ra chiều ngày hôm qua, 8/10 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận dự án Luật Nhà giáo.

Nhận định dự thảo Luật miễn phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên là nhân văn, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc miễn thực hiện được ở công lập chứ dân lập chưa được thực hiện ngay. Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc quyền lợi thì không nên.

Hiện cả nước có hơn một triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Theo tính toán, nếu bổ sung chính sách miễn phí cho con em giáo viên từ mầm non đến đại học thì hàng năm, ngân sách Nhà nước phải cung cấp chi trả thêm khoảng 9.200 tỷ trong một năm. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng con số này là tương đối lớn: "Nguồn này ở đâu, lấy từ phòng nào để bố trí chi hàng năm. Các đồng chí phải đánh giá kỹ năng cân bằng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá kỹ chính sách tiền lương, hỗ trợ miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Ảnh: Báo Thanh tra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá kỹ chính sách tiền lương, hỗ trợ miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Ảnh: Báo Thanh tra.

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban Quốc hội với dự án luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, về chính sách đối với nhà giáo, dự thảo luật đã rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc ban hành các chính sách có tính đặc thù cho nhà giáo là rất cần thiết, tuy nhiên cần rà soát, đánh giá tác động của các chính sách một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính khả thi. Ưu tiên nhà giáo phải đặt trong tương quan chung với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác.

Từ tháng 8/2020-8/2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, chủ yếu do đồng lương từ nghề dạy học quá thấp. Chính vì vậy thời gian qua, chúng ta đã bàn nhiều chính sách đặc thù cho giáo viên. Chứng kiến cảnh hàng loạt đồng nghiệp xin nghỉ việc, chuyển việc, cô La Thị Mây, giáo viên Trường Tiểu học Năng Khả, huyện Na Hang, Tuyên Quang nhìn nhận, mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng nhưng giáo viên vùng cao sẽ khó khăn hơn nhiều. Cũng vì lương thấp nên không ít đồng nghiệp lặng lẽ bỏ nghề, chuyển việc. Tiền lương là yếu tố quan trọng, giúp giáo viên có thêm động lực bám trường, bám lớp.

Không chỉ ở những vùng cao, ngay giữa Thủ đô, nhiều thầy cô cho rằng nếu chỉ sống dựa vào lương thì rất vất vả, nhưng đi làm thêm việc khác sẽ sao nhãng với công việc giảng dạy. Do đó, để giáo viên yêu nghề, gắn bó với nghề cần chính sách lương hấp dẫn.

Hiện nay, công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập từ lương thấp. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác; học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn là không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính như bán hàng online, môi giới bất động sản… Kết quả là, công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính lẽ ra cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại thờ ơ, sao nhãng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo.

Cho rằng gốc rễ của vấn đề là giải quyết thu nhập cho giáo viên, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục nhấn mạnh, nếu không giải quyết căn cơ vấn đề này, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm để đảm bảo cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Media Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Media Quốc hội.

Liên quan đến lương và thu nhập cho giáo viên, tại cuộc gặp gỡ với cán bộ, giảng viên đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những giáo viên mới được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Hiện cả nước có hơn một triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp như: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Chính sách miễn giảm học phí được xem là chính sách nhân văn đã được nhiều địa phương áp dụng. Có thể kể đến Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong miễn học phí cho học sinh các cấp bậc học, từ mầm non đến THPT. Sau bốn năm triển khai thực hiện, chính sách này đã được nhiều tỉnh, thành trong cả nước học tập, áp dụng. Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đánh giá, việc hỗ trợ 100% học phí cho các cấp học có tác động rất lớn đến ngành Giáo dục thành phố. Ngoài việc giảm bớt chi tiêu còn giúp họ trách nhiệm hơn trong việc đôn đốc con em mình học tập. Tuy nhiên, để ra được nghị quyết này, như lời ông Phạm Quang Lập, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng: "HĐND thành phố căn cứ vào thu ngân sách của địa phương cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân, của các bậc phụ huynh và của học sinh. Quyết sách này đã giúp cho những trường hợp, gia đình khó khăn có điều kiện cho con em học tập tốt hơn".

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Ảnh minh họa: TTXVN.

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tiếp nối Hải Phòng, năm học 2024-2025, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Long An, có chính sách miễn hoàn toàn học phí cho trẻ mầm non, tiểu học, THCS - THPT. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc giảm 50% mức đóng học phí so với năm ngoái.

Trong bối cảnh ngân sách còn đang khó khăn, Chính phủ đang cân nhắc nhiều phương án để tăng lương cho giáo viên, miễn giảm học phí cho toàn bộ con em giáo viên đến hết bậc học đại học. Những phương án này cần được thực hiện từng bước để đảm bảo tính công bằng với các ngành nghề khác. Với những đối tượng khó khăn việc miễn học phí, phải xem đó là chuyện đương nhiên và tiến tới khi nhà nước có khả năng đáp ứng, tất cả các em học sinh có nhu cầu tới trường cần được khuyến khích để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học.

Trần Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quoc-hoi-thao-luan-de-xuat-mien-hoc-phi-cho-con-giao-vien-ha-noi-tin-moi-chieu-271564.htm