Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã lắng nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật này.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 28/5. Ảnh: Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 28/5. Ảnh: Quốc hội.

Tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ ý kiến góp ý

Theo đó, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và bố cục, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền TP trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô,...

Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: tiếp tục quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần được áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong Luật, nghị quyết đó (khoản 2).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì UBTVQH sẽ quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (khoản 2).

Về mô hình tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, TP thuộc thành phố Hà Nội. Về cơ cấu tổ chức của HĐND TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (Điều 9 và Điều 11), dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của TP đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm. Đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP Hà Nội, giúp chính quyền TP chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 28/5. Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 28/5. Ảnh: Quốc hội.

Phân quyền cho thành phố Hà Nội

Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho TP Hà Nội so với các địa phương khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15 - NQ/TW, xác định rõ các chính sách đặc thù cần được áp dụng, quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan và trình tự, thủ tục thực hiện để vừa thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP vừa có cơ chế để tổ chức thực hiện và kiểm soát việc thực thi.

Trong đó, cho phép UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP. Phân quyền cho UBND TP được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn TP, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18). Quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.

Cho phép cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn TP được thành lập hoặc tham gia thành lập DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó. Phân quyền cho UBND TP quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND TP thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24); quy định một số cơ chế đặc thù đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại khu công nghệ cao, trong đó bao gồm cả các cơ chế áp dụng đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (khoản 2 Điều 24).

Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND TP được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn TP, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 1 Điều 33). Bổ sung một số thẩm quyền cho HĐND, UBND TP trong việc quyết định và triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn và cải tạo, chỉnh trang đô thị…

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng tiếp thu ý kiến đại biểu liên quan đến tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô. Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Về liên kết, phát triển vùng, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thiết kế có 01 chương riêng về liên kết, phát triển vùng trong đó thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước (Điều 44); xác định các chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, TP khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô (khoản 1 Điều 45).

Sau khi các đại biểu góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: "Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng về cơ bản ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu đánh giá rất cao báo cáo giải trình, tiếp thu cũng như dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng tình với nhiều nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo. Bên cạnh đó, các vị đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến mà chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng để có thể tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối của kỳ họp này" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quoc-hoi-thao-luan-du-thao-luat-thu-do-sua-doi-382508.html