Quốc hội thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam phát biểu tại phiên toàn thể ở hội trường.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam phát biểu tại phiên toàn thể ở hội trường.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 Chương và 147 Điều (tăng 1 Chương và tăng 11 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.

Tham gia phát biểu về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, đại biểu Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: Dự thảo luật thiết kế 2 điều quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm về trốn đóng); Nội dung, biện pháp xử lý của 2 điều này cơ bản giống nhau, riêng trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị chỉnh lý Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản, khoản 1 là các biện pháp xử lý quy định tại Điều 39, khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hành vi trốn đóng cần phải được đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa hai hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo việc xử lý đối với những người không cần gian dối hoặc không cần sử dụng thủ đoạn khác mà công nhiên không đóng, không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho nhiều người lao động trong thời gian dài, giá trị trốn đóng lớn. Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, một trong những dấu hiệu, hành vi khách quan cấu thành tội phạm này là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc trốn đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, như vậy sẽ rất khó khăn trong việc xử lý những người không cần gian dối, không cần sử dụng thủ đoạn mà công nhiên không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại Điều 41. Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, đây là một yêu cầu cấp bách, nhằm giải quyết những trường hợp đặc biệt, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, tính toán nguồn lực để mở rộng hơn nữa đối tượng người lao động được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trong khoảng thời gian bị chậm đóng, trốn đóng để bao phủ nhóm người yếu thế, như người bị suy giảm khả năng lao động, nhất là những trường hợp do tai nạn lao động, người ốm đau thường xuyên, người có bệnh nền.

Về điều kiện và mức hưởng lương hưu đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 103, Điều 104 của dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ cho những người tham gia trên quan hệ tự nguyện, thỏa thuận. Theo quy định tại Điều 103, Điều 104 dự thảo luật thì mức lương hưu hằng tháng của người tham gia bảo hiểm tự nguyện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%; quy định trên dẫn đến chênh lệch giữa nam và nữ cùng mức đóng, thời gian đóng, trong khi tuổi thọ trung bình của nữ giới cao hơn nam giới. Đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng đến chủ yếu là người không có việc làm ổn định, thường xuyên... như vậy sẽ khó thu hút, thuyết phục, tăng tính hấp dẫn và mở rộng được đối tượng bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu; các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.

Về trợ cấp hưu trí xã hội. Để bảo đảm mức trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với từng thời kỳ, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định theo hướng “Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm”.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-hoi-thao-luan-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-212659.htm