Quốc hội thảo luận Tổ về cơ chế, chính sách tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Ngày 15/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục xem xét nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ
Đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9. Theo đó, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh, rút ngắn thời gian kỳ họp từ 37 ngày xuống còn 36 ngày (dự kiến bế mạc ngày 27/6/2025).
Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận Tổ về: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Các đại biểu tập trung thảo luận và tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và đều dành sự quan tâm, góp ý đề nghị làm rõ các đối tượng là: “…người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị”. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung vào đối tượng hưởng chính sách đối với: Đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách của các Ban của HĐND cấp tỉnh; công chức trực tiếp “tham mưu, tổ chức, phục vụ Đoàn ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận góp ý kiến vào các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội” đã quy định rõ tại Điều 2 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới.
Tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, ở trung ương có bộ phận giúp việc nào được hưởng chính sách thì cấp tỉnh, cấp xã cũng cần có lực lượng tương ứng để đảm bảo tính hệ thống. Đặc biệt, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến vai trò của Ban Dân chủ - Giám sát và Phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, phản biện, tham gia xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và đề nghị bổ sung lực lượng này vào danh sách thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật cũng như xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình tiếp nhận và sử dụng nguồn lực từ Quỹ.
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Ngân đề nghị phân tách rõ ràng các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và thu hút, trọng dụng nhân tài; làm rõ các nội dung như xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật, phát triển ứng dụng công nghệ trong công tác xây dựng pháp luật.
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bỏ quy định 20ha trong quy định về đảm bảo diện tích khu công nghiệp thành lập mới vì ở các tỉnh miền núi, rất khó bố trí được diện tích lớn như vậy. Về quyền quyết định danh mục tài sản công cho thuê, đại biểu đề nghị bổ sung quyền quyết định việc cho thuê tài sản công cho UBND tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn.
Cùng thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị bổ sung các nội dung về cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép, chứng nhận, cũng như trong việc tiếp cận nguồn lực; đề nghị cần cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; bổ sung quy định hỗ trợ tiếp cận về địa điểm, mặt bằng sản xuất kinh doanh, cho phép các địa phương sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, vườn ươm công nghệ; cân nhắc sửa đổi quy định các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật sao cho phù hợp, đảm bảo cả doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp có năng lực đều có thể tham gia./.