Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng
Ngày 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp Thứ tư, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Trong ngày làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo công tác năm 2022 của ngành.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác thi hành án năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2021 được Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, (tăng 3 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2020).
Đây là là số liệu được được nêu trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2022, qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỷ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỷ đồng và 147,1 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.502,1 tỷ đồng, 8.093,7 ha đất.
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, nhưng việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Bộ Công an đánh giá, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công.
Một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm phát hiện nhiều vụ việc gây thiệt hại lớn như quản lý ngân sách Nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng; mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch...
Thời gian tới, ngành công an sẽ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đề xuất Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Căn cước công dân (sửa đổi)...