Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng nay 18/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp vào những thành tựu của đất nước trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới.

Tại phiên thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số các đại biểu đề nghị cần rà soát để đảm bảo nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) phải đảm bảo tương thích với các Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu đã kiến nghị các giải pháp tập trung vào việc phát huy vai trò của công đoàn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo thay vì quy định chung về quyền hạn trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn như trong dự thảo, cần nghiên cứu dành 1 mục riêng quy định trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở từ đó định hướng, dẫn dắt tạo thuận lợi cho việc triển khai áp dụng. Liên quan đến vai trò vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định chức năng “phản biện xã hội” của tổ chức công đoàn, tuy nhiên Luật Công đoàn cần bổ sung quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn được giám sát thực hiện các kết luận sau thanh tra.

Việc đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiện nay đều thành lập công đoàn, và không phải ở đâu có tổ chức công đoàn thì đều được điều kiện hoạt động thuận lợi về thời gian, điều kiện vật chất cũng như ủng hộ tinh thần. Do đó, nếu quy định chủ doanh nghiệp phải bố trí phòng làm việc, phải tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thì không phù hợp thực tế. Ngoài ra các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm, tập trung thảo luận về các chế định quan trọng khác, như: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; Quyền của đoàn viên công đoàn; quy định thời gian lao động của cán bộ công đoàn không chuyên trách mà được hưởng lương….

Cũng tại phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Ngô Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-cong-doan-sua-doi-226102.htm