Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Trong phiên họp sáng nay (15/2), Quốc hội tiếp tục thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 với phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![Tổ đại biểu số 12, thảo luận dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_410_51484705/81e29960aa2e43701a3f.jpg)
Tổ đại biểu số 12, thảo luận dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Cần có chính sách tạo sự bứt phá cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tại Tổ đại biểu số 12, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Hưng Yên đã thảo luận, nhất trí cao với các nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_410_51484705/ec83f301c04f2911705e.jpg)
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương và 20 điều, bao gồm các nội dung quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; bổ sung quy định về miễn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ); quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí Nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ...
![Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_410_51484705/ea31f4b3c7fd2ea377ec.jpg)
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đánh giá cao sự kịp thời của Chính phủ khi trình hồ sơ dự thảo nghị quyết để Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này nhằm tháo gỡ các quy định có tính “thiết chặt”, gây khó khăn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về chính sách khoán chi đã bổ sung 8 nội dung trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tại Điều 8 dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm tra rà soát thêm các quy định hiện hành để bổ sung thêm những việc được khoán chi có thể đặt hàng với các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, phải yêu cầu Hội đồng thẩm định về nội dung và về tài chính nâng cao hơn nữa đội ngũ các nhà khoa học và chất lượng thẩm định, để đưa ra được các định mức và thẩm định sản phẩm, nhiệm vụ khoa học công nghệ được khoán chi.
Về quy định miễn trừ trách nhiệm trong khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể tổ chức khoa học công nghệ nào được miễn trừ trách nhiệm để đảm bảo tính linh hoạt trong thực hiện.
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, chỉ đưa những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết; còn những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan khác có thể căn cứ vào các luật có liên quan để triển khai thì không nên đưa vào dự thảo nghị quyết.
Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền đảm bảo cơ chế địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã có 19 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 01 đại biểu tranh luận.
Quang cảnh phiên họp sáng 15/2
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 07 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành). Trong đó, quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; quy định về kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên...
Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tán thành với phạm vi sửa đổi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật.
Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, các ý kiến cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” là cần thiết. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định có liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính. Tuy nhiên, đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối với tổ chức HĐND, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định phân cấp, ủy quyền của HĐND giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND được quyết định các công việc phát sinh đột xuất giữa 2 kỳ họp và báo cáo HĐND. Về việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ căn cứ việc mở rộng này, bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương.
Có ý kiến cho rằng, quy định về tổ chức và hoạt động của UBND như dự thảo Luật chưa thể hiện rõ yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, do đó đề nghị bổ sung cơ chế để tăng cường tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của UBND, phân định rõ phạm vi trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND với tập thể UBND.
Về mô hình tổ chức cơ quan hành chính ở địa phương giữa nơi có HĐND và nơi không tổ chức HĐND đề nghị quy định thống nhất theo hướng cả nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng; Chủ tịch UBND là người đứng đầu UBND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp (đối với nơi có tổ chức HĐND), trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị trực thuộc (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) hoặc công chức ở cấp xã sẽ là bộ phận hợp thành cơ cấu của UBND ở từng cấp.
Cuối phiên thảo luận tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời tiếp thu các kiến nghị để cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua./.