Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, với tổng nguồn vốn hơn 122.000 tỷ đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư, xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn...

Sáng 27/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình- Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình- Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngày 1/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp toàn thể về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về chủ trương đầu tư, những nội dung cơ bản của Chương trình và dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về kinh phí thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu và thể hiện tại điểm d khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.

Về các ý kiến thống nhất với cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình; tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình, cần tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả…

Đối với việc đầu tư, xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết- Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết- Ảnh: Quochoi.vn

Về ý kiến thống nhất quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế; đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Về các ý kiến đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ cụ thể cho đối tượng đặc thù là người lao động, công nhân, người dân tộc thiểu số di cư đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, lưu ý các đối tượng đặc thù nêu trên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nội dung thành phần trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai và đáp ứng nhu cầu bảo tồn văn hóa, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Đối với các ý kiến còn băn khoăn, đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nội dung thành phần của Chương trình; đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung thành phần, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, chịu trách nhiệm về việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình theo các nguyên tắc, nội dung được Quốc hội thông qua…

Chi hơn 122.000 tỷ đồng cho phát triển văn hóa

Theo Nghị quyết của Quốc hội, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Thời gian thực hiện trong 10 năm, từ năm 2025 đến hết năm 2035.

Về kinh phí thực hiện, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ đồng; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ đồng).

Nghị quyết nêu rõ trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.

Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035- Ảnh: Quochoi.vn

Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035- Ảnh: Quochoi.vn

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh.

Nghị quyết cũng nêu rõ, đến năm 2030, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích); phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Cùng với đó, các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến; hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đối với mục tiêu đến năm 2035, Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả; 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2035 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước; Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế; 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật; 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn

Mục tiêu đến năm 2035 mỗi năm có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước..

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quoc-hoi-thong-qua-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-voi-tong-nguon-von-hon-122-000-ty-dong.html