Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), không đưa hộ kinh doanh vào luật
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, sáng 17.6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Kết quả, 90,68% đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có đề cập đến hộ kinh doanh, một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu quốc hội. Theo đó, UBTVQH xin tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (Điều 199a). Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.
Về doanh nghiệp nhà nước, một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.
UBTVQH báo cáo: Quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo luật nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12).
Dự thảo luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng (Điều 128), có ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay cần mở rộng cho cả nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức khác.
UBTVQH cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua có sự phát triển nhanh và chuyển dịch dần kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có ít thông tin và khả năng phân tích, đánh giá rủi ro hoặc khi các doanh nghiệp lạm dụng, triển khai các hình thức huy động vốn trái phiếu thiếu minh bạch sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư.
Để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư mua trái phiếu và hạn chế doanh nghiệp lạm dụng phương thức này huy động vốn, pháp luật thường hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Quy định hạn chế này không ảnh hưởng đến quyền của các nhà đầu tư khác không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Do vậy, dự thảo luật quy định đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cần thiết, phù hợp với Luật Chứng khoán và thông lệ phổ biến.
Về mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và các luật có liên quan: Có ý kiến cho rằng quy định về chuyển nhượng vốn góp giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Hôn nhân và gia đình còn mâu thuẫn về quyền sở hữu đối với tài sản sở hữu chung. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về quyền sở hữu và quyền chuyển nhượng vốn góp tại dự thảo luật.
Theo UBTVQH, dự thảo luật chỉ quy định việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn đối với cá nhân cho công ty. Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển nhượng sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật (Điều 35).
Do đó, khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn thì phải tuân thủ quy định bao gồm cả quy định về chuyển quyền sở hữu đối với tài sản có sở hữu chung, như quyền sử dụng đất, tài sản có đăng ký…
Vì vậy, nội dung về chuyển quyền sở hữu đối với tài sản chung thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan, không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.
Có ý kiến cho rằng Bộ luật Dân sự quy định rõ hai cơ chế đại diện là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền, tuy nhiên điểm e khoản 23 điều 4 của dự thảo luật lại sử dụng thuật ngữ “người đại diện”.
Do đó, đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa ba chế định về người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền và người đại diện, để tránh xung đột pháp luật. UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh sửa quy định tại điểm e khoản 23 điều 4 của dự thảo luật thành “người đại diện theo ủy quyền” như quy định của luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Dân sự về chế định người đại diện theo ủy quyền.