Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Sáng 21.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) với 457/463 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 93,84%.
Bổ sung chương mới về “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ”
Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều, quy định về: những quy định chung, quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, nghiệp vụ lưu trữ, tài liệu lưu trữ đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, lưu trữ tư, hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý nhà nước về lưu trữ, điều khoản thi hành.
So với Luật Lưu trữ 2011, luật mới bổ sung một chương mới về “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ” (Chương IV), trong đó quy định các tiêu chí về nội dung, hình thức, xuất xứ nhằm xác định tài liệu lưu trữ có giá trị. Theo khoản 4, Điều 38 luật mới, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được lưu trữ dự phòng; được thống kê và ưu tiên tổ chức sử dụng, phát huy giá trị.
Điều 40 luật mới quy định, những tài liệu lưu trữ được phát huy giá trị cần có các nội dung sau: lịch sử dựng nước, giữ nước, xác lập và thực thi chủ quyền; quá trình hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc và giá trị truyền thống của đất nước, con người Việt Nam; các sự kiện tiêu biểu, dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam; các ngành, lĩnh vực, địa phương; cơ quan, tổ chức thuộc các chế độ chính trị - xã hội; cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng qua các thời kỳ lịch sử; thành tựu tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đối với tài liệu lưu trữ khác không thuộc trường hợp trên, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ, cơ quan, tổ chức, lưu trữ lịch sử chủ động phát huy giá trị bằng hình thức phù hợp.
Về các hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, luật quy định các hình thức: công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ; công bố tài liệu lưu trữ; triển lãm, giới thiệu tài liệu lưu trữ và biên soạn, xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm lưu trữ; lồng ghép trong hoạt động của cơ sở giáo dục và các hình thức khác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Chương VI, từ Điều 53 đến Điều 56), có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ.
Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có ý kiến đề nghị sửa điểm b khoản 1 Điều 53 thành “kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số” để tương thích về nội hàm giữa tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 12 Điều 2 của dự thảo luật, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ là tập hợp các dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử. Cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ bao gồm cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ giấy, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ trên vật mang tin khác và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số. Vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ hơn các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 3 nhóm dịch vụ quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 53.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nhóm dịch vụ về số hóa, tạo lập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu, kho lưu trữ tài liệu và tư vấn nghiệp vụ lưu trữ quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 53 của dự thảo Luật đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải có kiến thức, kỹ năng chuyên ngành chuyên sâu về lưu trữ, do đó điều kiện cơ bản cần thiết là cá nhân phụ trách kỹ thuật, nghiệp vụ lưu trữ tại tổ chức kinh doanh dịch vụ, cá nhân độc lập kinh doanh các dịch vụ này phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ như quy định tại khoản 5 Điều 53. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ cho đầy đủ, rõ ràng hơn như thể hiện tại khoản 3 Điều 56 của dự thảo luật.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu cơ chế để bổ sung cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước ngoài các trường hợp quy định tại Điều 18 nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử để bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của ĐBQH là xác đáng, vì vậy xin tiếp thu bổ sung một khoản vào Điều 18 của dự thảo luật với nội dung “Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định của dự thảo luật để bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, các luật khác và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, Luật Di sản văn hóa và các luật khác có liên quan như đã báo cáo cụ thể tại các mục nêu trên.