Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 458/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Các đại biểu tham gia biểu quyết
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 điều.
Theo đó, Luật quy định tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng như quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Luật cũng quy định nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Thẩm quyền quyết định thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Đáng chú ý, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước ở địa phương và của chính quyền địa phương các cấp theo hình thức phân quyền, phân cấp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương; Phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp…
Bên cạnh đó, việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó xác định rõ chủ thể thực hiện, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm các nguyên tắc phân định thẩm quyền và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật này.
Về phân cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ mà mình được giao theo quy định của pháp luật để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.

Quốc hội nghe Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Về ủy quyền, Ủy ban nhân dân được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.
Việc ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện đối với các nhiệm vụ, quyền hạn nhằm tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Đồng thời, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã, UBND cấp xã; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Luật cũng quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương gồm tổ chức và hoạt động của HĐND, của UBND.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=92706