Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Hà Tĩnh cùng tham gia biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trong phiên họp sáng nay của Kỳ họp thứ 7.

Sáng 24/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 459/464 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 94,25%.

 Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên họp.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 152 điều, quy định về: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân; thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của tòa án nhân dân.

Giữ nguyên quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo đầy đủ, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Luật sửa đổi đã bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án; sửa đổi bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ quyền hạn của hội thẩm nhằm phát huy vai trò của hội thẩm; quy định việc tòa án bảo vệ quyền con người; tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp các bên trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và vụ việc khác theo quy định của pháp luật; thành lập các vụ tại tòa án nhân dân cấp cao trên cơ sở tổ chức lại các phòng giám đốc, kiểm tra; mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Về đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), do còn ý kiến khác nhau, sau khi xin ý kiến các vị đại biểu, Tòa án nhân dân tối cao và Thường trực Ủy ban Tư pháp thống nhất đề nghị tiếp thu đa số đại biểu Quốc hội đã ghi phiếu, tiếp tục giữ nguyên quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện như luật hiện hành.

Điểm mới về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, phiên họp và hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, nhất là thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Các thông tin, chứng cứ này cần được hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định. Do đó, luật đã được chỉnh lý cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định. Đồng thời, trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết.

 Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tham gia góp ý hoàn thiện Luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tham gia góp ý hoàn thiện Luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

Sau khi cân nhắc về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xây dựng đề án, phương án cụ thể đề xuất nơi đặt trụ sở, số lượng từng tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt… Báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho chủ trương, từ đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập vào thời điểm phù hợp, trong đó xác định rõ về phạm vi thẩm quyền và các vấn đề khác có liên quan mà đại biểu đã nêu ý kiến.

Để bảo đảm tính thống nhất, các tòa án tiếp tục thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính; xét xử sơ thẩm, giải quyết vụ việc về sở hữu trí tuệ; giải quyết vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về phá sản cho đến khi các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập và hoạt động theo quy định của luật.

Quang Đức - Trần Nhung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-cho-phep-ghi-am-toan-bo-dien-bien-phien-toa-post268903.html