QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI, CHỦ TRƯƠNG CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC SÔNG THAN, BẢN MỒNG
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, chiều 03/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Cần sớm tháo gỡ hành lang pháp lý để 02 công trình hồ chứa nước được đưa vào sử dụng
Cho ý kiến về 02 dự án công trình hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Chính phủ trình tại kỳ họp này, đại biểu Bùi Thanh Tùng- Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng nhất trí cao với sự cần thiết, cần sớm tháo gỡ hành lang pháp lý để 2 công trình đầu tư công này sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết để cung cấp nước cho đời sống sinh hoạt của nhân dân và hoạt động phát triển kinh tế ở các vùng còn nhiều khó khăn.
Theo đại biểu phân tích, cả 02 dự án đều đã được sự đồng ý về chủ trương đầu tư và khởi công từ cách đây cả chục năm. Qua kết quả khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trên thực tế, khối lượng thi công đã đạt trên 30%. Đặc biệt, khối lượng thi công các công trình đầu mối của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An đã đạt được khoảng 90%. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư và tạo sinh kế cho người dân ở các khu vực phải giải tỏa đều đã được các địa phương quan tâm, thực hiện chu đáo và đã có các giải pháp, công trình rất sáng tạo, linh hoạt để giảm thiểu nhiều nhất mức độ phải giải phóng mặt bằng. Diện tích rừng phòng hộ phải chuyển đổi đều là những diện tích bắt buộc để đảm bảo hiệu quả của công trình, tính chất của rừng phòng hộ phải chuyển mục đích cơ bản là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt. Đồng thời, tất cả các địa phương phải chuyển đổi rừng đều đã có phương án, địa điểm, diện tích và bố trí ngân sách, tổ chức trồng rừng thay thế.
Đại biểu đồng tình với các đánh giá và các kiến nghị đối với Chính phủ đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đồng thời, đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 02 dự án hồ chứa nước trong kỳ họp này, để tạo điều kiện cho các công trình hồ chứa nước sớm được hoàn thành, phát huy tác dụng tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực miền Trung.
Thực hiện tốt vấn đề quy hoạch trong thời gian tới
Quan tâm đến vấn đề quy hoạch trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chỉ ra rằng, các tác động xấu của thời tiết ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang làm nổi bật lên những hạn chế, yếu kém của nước ta trong vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch, vấn đề đô thị hóa nhanh ở các thành phố lớn cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng v.v. mà quan trọng nhất của chúng ta là tác động tự nhiên một cách có chủ đích để làm thay đổi, phá vỡ quy luật tự nhiên, phát triển trái với quy luật tự nhiên.
Bên cạnh những tác động tích cực, không thể phủ nhận việc đắp đập ngăn mặn, đắp đê ngăn lũ để thực hiện các công trình ngọt hóa, ngăn chặn, bảo vệ diện tích sản xuất đất nông nghiệp đã và đang gây nhiều hệ lụy, trong đó có việc xâm nhập mặn ngày càng đi sâu vào nội đồng, giảm dần độ màu mỡ phì nhiêu của đất, một phần do canh tác quá mức, một phần do không được bù đắp phù sa, sau nhiều cơn lũ trở về như trước kia.
Đại biểu cho rằng công tác quy hoạch trong thời gian tới chúng ta nói chung hết sức là quan trọng và cần thiết, kết hợp giữa nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau một cách đồng bộ, thống nhất và cần thiết phải tuân theo tự nhiên, quy luật, cần có tầm nhìn dài hạn hơn và gắn với phát triển bền vững. Đồng thời, với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nói riêng, bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ít ảnh hưởng xấu đến môi trường, sử dụng ít nguồn lực lao động để tăng năng suất lao động của ngành mang lại hiệu quả. Về quy hoạch, khuyến nghị sản xuất nông nghiệp, ngoài việc cần dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, cần xem xét đến các yếu tố khác như mong muốn và nguyện vọng của người dân để đạt hiệu quả cao như mong muốn. Bởi người nông dân luôn mong muốn đạt lợi nhuận cao trong đầu tư sản xuất nông nghiệp. Song mỗi loại đất tương ứng với từng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi lại có giá trị kinh tế không giống nhau, chưa tính đến việc điều kiện tự nhiên thuận lợi hay không cho sản xuất kinh doanh. Vậy nên, việc thực hiện đúng theo quy hoạch, khuyến nghị của các cơ quan chức năng vẫn còn là ẩn số, nguy cơ phá vỡ quy hoạch vẫn còn là tiềm ẩn, gây nhiều hệ lụy đến việc xây dựng vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước.
Cũng cho ý kiến liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhất trí với nhiệm vụ khẩn trương lập, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Đồng thời cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch hiện nay. Đây là điều kiện quan trọng để khơi dậy, động viên, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và là cơ sở để địa phương sớm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực chồng lấn titan tại địa bàn Bình Thuận tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã rà soát và có báo cáo đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Vì vậy đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm sớm hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ các quy hoạch nêu trên. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để địa phương triển khai thực hiện./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49632