QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Ngày 15/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP trong quý I/2020 đã đạt 3,82%, thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng được bình ổn; an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm được bảo đảm… các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù năm 2019 nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; 2019 là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%, tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội.
Đánh giá cao thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, nước ta đã chấp hành rất nghiêm các chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, tương ái trong nhân dân, gây được tiếng vang, thành công vang dội, được quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đã có những thành tựu trong việc chống dịch, nhưng kinh tế nước ta đã phải chịu ảnh hưởng, sa sút nghiêm trọng từ dịch bệnh, việc quay lại phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới như thế nào là rất quan trọng. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần thiết phải bổ sung vào Kỳ họp thứ 9 này một Nghị quyết riêng về việc phục hồi kinh tế- xã hội sau dịch để đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân. Cùng với đó, để nghị Chính phủ nới lỏng tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị, thời gian tới, chúng ta cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng hầu hết đến các doanh nghiệp từ doanh thu, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động… Chính phủ đã ban hành những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhưng quá trình thực hiện các chính sách còn chậm đi vào cuộc sống. Do đó, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các chính sách, giải quyết bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách; đồng thời, cũng là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định phát triển...
Ngoài ra, tại phiên họp, có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá sâu thêm về vấn đề môi trường, việc sử dụng vốn đầu tư công, khoảng cách giàu nghèo…
Về các giải pháp, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, các đại biểu cơ bản đồng tình với 9 nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 trong việc phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Để tiếp tục duy trì những thành tựu, kết quả đạt được, các đại biểu đề nghị cần thực hiện hiệu quả những giải pháp sau: Bảo đảm nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng; cải cách chế độ công chức, công vụ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, thi hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; chú trọng công tác phát triển và bảo vệ rừng; tập trung kích cầu du lịch trong nước sau đại dịch Covid-19…
Tại thời điểm hiện nay, theo đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng- Đoàn ĐBQH Tp. Hải phòng, chúng ta cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, chúng ta cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. Đại biểu cho rằng, chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế.
Mặc dù dịch Covid-19 ở nước ta đang tạm thời được kiểm soát, tuy nhiên các diễn biến dịch tại các quốc gia khác trên thế giới vẫn đang hết sức phức tạp, do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương tiếp tục nâng cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan lơ là, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân.
Đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng, chúng ta cần tổng kết lại công tác phòng, chống dịch và có những kịch bản cụ thể để ứng phó hiệu quả, kịp thời nếu dịch Covid- 19 quay trở lại.
Cũng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, nước ta cần hết sức cân nhắc cẩn trọng với việc mở cửa các đường bay quốc tế bởi dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt, nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra.
Theo đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, hiện nay, dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Điểm cốt lõi của trạng thái này vẫn là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế. Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị Nhà nước tốt, đang hội nhập kinh tế thế giới rộng. Do vậy, đòi hỏi cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động. Các gói hỗ trợ trong quá trình triển khai còn vướng mắc về thủ tục cần tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công chậm… Nhưng để giải quyết tận gốc những vướng mắc này, cần có hành lang pháp lý thu gọn chứ không chỉ là tháo gỡ vướng mắc.
Buổi chiểu, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=46323