Quốc hội và Chính phủ phối hợp hài hòa tạo xung lực cho nền kinh tế tăng trưởng

Trong 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta bùng phát dữ dội đã tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Điều này dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho biết: Trước những tác động của dịch bệnh, trong 2 năm qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp hồi phục.

Trong 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, trong tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41, về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đến tháng 9/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 109, về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22, về việc giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như Nghị quyết số 107 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết số 116 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; Nghị quyết số 979 ngày 27/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường,...

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát, ban hành 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí.

Về kết quả triển khai các giải pháp, ông Bách cho biết: Ngành Thuế đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả các giải pháp đến từng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Sang năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp, cụ thể như:

Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021 (Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021);

Tiếp tục thực hiện giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí, như trình Chính phủ ban hành Nghị định 44, hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021;...

Sự phối hợp hài hòa giữa Quốc hội và Chính phủ

Nhận định về những giải pháp hỗ trợ vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá: 2 năm qua, các chính sách hỗ trợ đều tập trung vào 3 nhóm giải pháp, chính là tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Ba nhóm giải pháp này có quy mô lớn, phạm vi bao phủ rộng, Chính phủ cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ rất nhanh, đúng thời điểm. Đặc biệt, trong 2 năm qua, các chính sách hỗ trợ nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các cấp lãnh đạo, giữa Quốc hội và Chính phủ cũng có sự phối hợp hài hòa.

“Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành một số Nghị quyết chưa từng có, để mở đường cho Chính phủ đưa ra các giải pháp nhanh hơn, hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Ngoài ra, ông Lộc nhận định: Các chính sách tài khóa, tiền tệ đã thực sự tạo ra xung lực cho nền kinh tế tăng trưởng và hồi phục.

“Có được điều này, ngành tài chính đã có bước chuẩn bị rất tốt, như giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách,...tạo ra “của ăn của để” cho ngân sách nhà nước, từ đó mới có dự địa để các cấp, ngành đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, ông Lộc chia sẻ.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là cuộc chiến lâu dài. Các doanh nghiệp với vai trò quan trọng trong nền kinh tế sẽ phải chuẩn bị tốt hơn nữa để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ cho doanh nghiệp thực sự là một đơn vị xanh trong chống dịch cũng như thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm đời sống, thu nhập, an toàn cho người lao động.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quoc-hoi-va-chinh-phu-phoi-hop-hai-hoa-tao-xung-luc-cho-nen-kinh-te-tang-truong-post163818.html