Quốc hội Việt Nam thời kỳ 1960 - 1980

Thời kỳ 1960 - 1980, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng XHCN, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Quốc hội đã trải qua 5 khóa hoạt động.

Quốc hội khóa II (1960 - 1964): Tổ chức bầu cử ngày 8/5/1960; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I. Nhiệm kỳ này, Quốc hội tổ chức 8 kỳ họp, thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 9 pháp lệnh. Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), thông qua Cương lĩnh hành động toàn dân nhằm thực hiện cải tạo XHCN, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH ở miền Bắc và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Quốc hội khóa III (1964 - 1971): Tổ chức bầu cử ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu thuộc các tỉnh miền Nam lưu nhiệm. Nhiệm kỳ này, Quốc hội kéo dài 7 năm, 7 kỳ họp. UBTVQH họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, tổ chức hành chính, nhân sự phục vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc và phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, những chính sách kinh tế thời chiến, đối ngoại được Chính phủ kịp thời báo cáo với Quốc hội, UBTVQH phê chuẩn nhanh chóng, là điều kiện quan trọng bảo đảm kịp thời yêu cầu của chiến tranh.

Quốc hội khóa IV (1971 - 1975): Tổ chức bầu cử ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu. Quốc hội khóa IV diễn ra trong 4 năm, họp 5 kỳ. UBTVQH họp 53 phiên, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, phê chuẩn dự toán và ngân sách Nhà nước hàng năm. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa V (1975 - 1976): Tổ chức bầu cử ngày 6/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V diễn ra trong bối cảnh miền Nam vừa giải phóng và hoạt động chưa đầy 2 năm, tổ chức 2 kỳ họp. UBTVQH họp 10 phiên, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Kỳ họp tháng 12/1975, Quốc hội đã thống nhất thông qua nghị quyết phê chuẩn kết quả hội nghị hiệp thương mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.

Quốc hội khóa VI (1976 - 1981): Tổ chức bầu cử ngày 25/4/1976, là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số 492 đại biểu. Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam; quy định Quốc kỳ; Quốc huy; Quốc ca; chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành TP Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam mới là Hà Nội. Đồng thời, quyết định thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp. Quốc hội khóa VI diễn ra 5 năm, 7 kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất - Hiến pháp năm 1980.

P.L (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/148936/quoc-hoi-viet-nam-thoi-ky-1960-1980.htm