Quốc hội xem xét tăng mức phạt trong các lĩnh vực trọng yếu
Ngày 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, Chính phủ kiến nghị tăng mức xử phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực có nguy cơ phát sinh vi phạm nghiêm trọng, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo tính răn đe pháp luật.
Các lĩnh vực được đề xuất điều chỉnh bao gồm: phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng chống thiên tai; an ninh mạng; và an toàn thông tin mạng. Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, phản ánh là 30 triệu đồng; an ninh trật tự và an toàn xã hội là 75 triệu đồng.
Riêng lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn được đề xuất tăng từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng; an ninh mạng và an toàn thông tin mạng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; giao thông đường bộ từ 75 triệu lên 150 triệu đồng; đê điều từ 100 triệu lên 250 triệu đồng.
Đối với các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao và yêu cầu quản lý nghiêm ngặt như xây dựng, lâm nghiệp, đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, mức xử phạt đề xuất là 500 triệu đồng. Cá biệt, một số lĩnh vực chiến lược như quản lý biển đảo, thềm lục địa; năng lượng nguyên tử; tài chính, ngân hàng, kim loại quý, đá quý; dầu khí, khoáng sản; môi trường và thủy sản sẽ có mức phạt tối đa lên tới một tỷ đồng.
Chính phủ cho rằng việc nâng mức xử phạt này là biện pháp cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh, tương xứng với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm. Đồng thời, đây là giải pháp đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh một số lĩnh vực "nóng" ghi nhận nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân và xã hội.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định mới về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ. Cụ thể, nếu hết thời hạn tạm giữ mà không có người đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu hợp pháp, cơ quan chức năng có thể bán tang vật, phương tiện vi phạm trong các trường hợp: tài sản có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng; dễ hư hỏng, xuống cấp; có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; hoặc không có nơi bảo quản đạt yêu cầu kỹ thuật.
Cơ quan soạn thảo cho biết, quy định này nhằm rút ngắn thời gian xử lý, giảm áp lực kho bãi, tránh lãng phí tài sản và hạn chế tình trạng tồn đọng tang vật vi phạm hành chính.
Số tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp hết thời hạn mà không có người nhận, toàn bộ số tiền sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Đây là cơ chế xử lý tài sản công minh, hợp lý, đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai và bảo vệ tài sản Nhà nước.
Cùng trong phiên làm việc sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cùng dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu sau đó thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Buổi chiều, Chính phủ trình bày hai dự thảo Nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân và đổi mới công tác xây dựng, thực thi pháp luật. Quốc hội cũng thảo luận theo tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cùng hai nghị quyết nêu trên.