QUỐC HỘI XEM XÉT VIỆC KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN DỰ ÁN THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội xem xét việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Quốc hội xem xét việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Quốc hội xem xét việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Về sự cần thiết và thẩm quyền điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, theo Tờ trình, các nội dung đề nghị điều chỉnh bao gồm: (i) điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án; (ii) điều chỉnh diện tích đất thu hồi; (iii) điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân; (iv) bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Trong các nội dung đề nghị điều chỉnh như trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh đối với nội dung về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân vốn với các lý do như đã được phân tích tại Tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Ủy ban Kinh tế cho rằng theo quy định tại Điều 35 và khoản 3 Điều 43 của Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh các nội dung của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của Nghị quyết số 53/2017/QH14 và với đề nghị điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 53/2017/QH14, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án. Việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đề nghị đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.

Ủy ban Kinh tế cho rằng Hồ sơ đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án “đến hết năm 2024”. Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho Dự án. Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của Dự án từ năm 2021 - 2023 trong bối cảnh niên độ Dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân thì có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13, theo đó giai đoạn 1: đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” mà không điều chỉnh về thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của Dự án thì liệu có bảo đảm khả thi về tiến độ của giai đoạn 1, do đó, đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và báo cáo Quốc hội về nội dung này.

Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, theo Tờ trình, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là hơn 19 nghìn tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 16.697,132 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.

Về nội dung đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với nội dung kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 558/TTr-CP để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6. Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát và hoàn thiện nội dung này để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81384