Quốc khánh trong trái tim nghệ sĩ

Quốc khánh 2-9 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam. Hòa chung cảm xúc thiêng liêng ấy, giới văn nghệ sĩ ở Gia Lai cũng hướng về Tổ quốc thông qua những tiếng hát, lời thơ với trọn niềm kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc.

1. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến những ngày thu tháng 9 là Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Xuân La lại trào dâng bao xúc cảm. Thỉnh thoảng, bà mở ứng dụng YouTube trên điện thoại, chăm chú ngồi xem những thước phim tư liệu về sự kiện lịch sử vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), rồi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chất giọng xứ Nghệ ấm áp của vị cha già dân tộc khiến mắt bà rưng lệ. Nỗi nhớ Bác xen lẫn niềm tự hào dân tộc cứ thế ùa về.

 Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Xuân La (bìa trái) cùng em gái-Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Xuân Va ôn lại những kỷ niệm đẹp thuở còn đứng trên sân khấu biểu diễn mừng Quốc khánh 2-9. Ảnh: M.T

Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Xuân La (bìa trái) cùng em gái-Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Xuân Va ôn lại những kỷ niệm đẹp thuở còn đứng trên sân khấu biểu diễn mừng Quốc khánh 2-9. Ảnh: M.T

Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La may mắn được gặp Bác Hồ 2 lần tại Hà Nội. Lần đầu tiên là khi bà 5 tuổi, Bác về thăm trường mẫu giáo nơi bà theo học. Khi đó, cô bé Xuân La đang chơi xích đu cùng các bạn thì chẳng may bị ngã. Thấy vậy, Bác liền chạy lại bế Xuân La lên và dỗ dành.

“Năm ấy, vì còn quá nhỏ nên tôi gần như không còn nhớ mà chỉ biết đến qua lời kể của bố mẹ. Tuy nhiên, đến lần thứ 2 gặp Bác vào năm 8 tuổi thì hình ảnh của Người đã khắc họa sâu đậm trong trái tim tôi. Tôi được Bác cho kẹo, Người cười tươi xoa đầu khi tôi với tay vuốt chòm râu bạc trắng như cước của mình. Bác căn dặn, chúng tôi là những hạt giống đỏ của đất nước nên phải cố gắng học giỏi, chăm ngoan để mai này quay về phục vụ quê nhà”-Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La nhắc nhớ.

Vốn có khiếu văn nghệ nên từ lúc 12-13 tuổi, cô bé Xuân La đã trúng tuyển vào Đoàn ca múa Nhân dân Tây Nguyên. Khắc ghi lời dạy của Bác, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La luôn nỗ lực và cống hiến hết tâm sức cho công việc lẫn cuộc sống. Chia sẻ về những kỷ niệm trong nghề gắn với sự kiện Quốc khánh, bà cho hay: Năm 18 tuổi, lần đầu tiên tôi được cùng các nghệ sĩ ở miền Bắc tham gia biểu diễn trong chương trình kỷ niệm lễ Quốc khánh tại Hà Nội. Tôi không khỏi lo lắng và tích cực tập luyện để biểu diễn thật hay, thật đẹp. Và, liên khúc múa Rông chiêng-Tiếng trống Tây Nguyên-Giã gạo đêm trăng của đoàn chúng tôi sau đó đã rất thành công, nhận được nhiều lời khen từ mọi người.

Một kỷ niệm khác mà Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La nhớ mãi là chuyến lưu diễn kéo dài gần nửa tháng của nghệ sĩ Việt Nam tại một số tỉnh ở Trung Quốc nhân dịp 2-9-1995. Khi đó, bà là Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Đam San kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Các diễn viên của Gia Lai đã kết hợp cùng Đoàn nghệ thuật Tây Bắc xây dựng chương trình ca-múa-nhạc tổng hợp, mang truyền thống lịch sử đầy tự hào cũng như vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam đến với người dân nước bạn.

“Trong hành trình hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, tôi đã tham gia rất nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Quốc khánh ở vai trò diễn viên lẫn biên đạo, chỉ đạo nghệ thuật. Và lần nào, trong tôi cũng vẹn nguyên cảm xúc thiêng liêng, tự hào. Từ khi về hưu đến nay, tôi vẫn thường xuyên kể lại cùng người thân, bạn bè về những ký ức đẹp đẽ ấy. Tôi nghĩ rằng, Quốc khánh là dịp để mỗi người Việt Nam nhắc nhớ nhau về nguồn cội, về những trang sử hào hùng của dân tộc; qua đó, thêm trân quý giá trị của hòa bình”-Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La khẳng định.

2. Vào những ngày lễ lớn của dân tộc, đặc biệt là Quốc khánh 2-9, tình yêu Tổ quốc lại có dịp được hòa chung, kết nhịp giữa hàng triệu trái tim người Việt trên mọi miền đất nước. Và, đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận, là động lực để giới văn nghệ sĩ khắc họa nên những tác phẩm ý nghĩa, giàu cảm xúc.

Nhà thơ Văn Công Hùng cho hay: “Thời đại @, người ta thường nhắc đến lứa tuổi teen với những hình ảnh thiếu tích cực. Tôi cũng từng có những thành kiến như thế cho đến một buổi sáng 2-9 những năm về trước, tôi truy cập mạng và cảm thấy rưng rưng trước một màu đỏ rực của quốc kỳ Việt Nam trên avatar của các trang Blog, Forum và Facebook cá nhân. Thì ra, từ nhiều ngày trước đó, các bạn trẻ đã hẹn nhau thay ảnh đại diện bằng cờ Tổ quốc vào ngày Quốc khánh để thể hiện lòng yêu nước của mình. Tôi lúc ấy chưa biết làm thế nào để thay avatar của mình thì đã nhận được ngay một lời khích lệ kèm trách cứ của một bạn trẻ với nickname rất teen “nguoicodonyeuem” rằng: “Treo cờ lên đi bạn, bạn không yêu Tổ quốc Việt Nam à?”. Bỗng dưng, tôi thấy mình trẻ trung và yêu đời hơn”.

Với nhà thơ Văn Công Hùng, Tổ quốc là nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác (ảnh nhân vật cung cấp).

Với nhà thơ Văn Công Hùng, Tổ quốc là nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác (ảnh nhân vật cung cấp).

Cảm xúc đẹp đẽ này và những câu chuyện tương tự như thế đã được nhà thơ Văn Công Hùng gửi gắm vào những vần thơ, các bài báo hoặc đơn giản là đăng tải trên mạng xã hội nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng. Bày tỏ quan điểm về Tổ quốc, nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, tôi cứ nghĩ Tổ quốc là thứ gì đó rất to lớn, ở bên ngoài ta, thiêng liêng tới “kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng không dám gần-P.V). Thế rồi, lớn lên tôi mới hiểu, Tổ quốc chính là những điều gần gũi, thân thương nhất ở xung quanh; đó là quê hương cụ thể, là những người thân, cũng có thể ánh trăng, ngọn cỏ… Tổ quốc vừa thiêng liêng vừa gần gũi, vừa rộng lớn vừa thân thương, vừa kỳ vĩ vừa thân quen, vừa trừu tượng vừa rất cụ thể, vừa muôn thuở vừa hàng ngày”.

Với cách nhìn nhận đó, trong tất cả sáng tác của mình ở 16 tập văn, thơ đã xuất bản và hàng ngàn bài báo đã đăng tải, nhà thơ Văn Công Hùng đều chú tâm đến những hình ảnh, câu chuyện dung dị thường nhật để nói lên tình yêu Tổ quốc, quê hương. Nhiều tác phẩm của ông đã được bạn đọc đón nhận, chia sẻ rộng rãi với sự tương tác cao; trong đó có những câu thơ “ra đời” nhân chuyến ra thăm huyện đảo Trường Sa: “Trường Sa/phía sau nỗi nhớ là tình yêu Tổ quốc/những mũi tàu vươn khơi/những nấm mộ chiêu hồn trắng phau cát biển/đất sét, thân dâu phơ phất phận người”, “Tổ quốc/những đôi mắt đợi chồng/dài như dấu hỏi/chớp như dấu than/cứa vào đêm nhịt nhằng hy vọng/nén hương thắp vội/vẫn tin chồng gõ cửa giữa khuya.../Tổ quốc/chiều chiều mẹ vun lá tre/đốt khói vào thời gian/mà thời gian thì dâu bể/lưng mẹ còng khắc khoải vì con/lá tre cháy tro trắng như tóc mẹ/tung vào chiều chiều trắng thành đêm”.

3. Chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2023), Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã xây dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt gồm 3 phần chính: Bác Hồ với đồng bào Tây Nguyên-Đất nước đổi mới-Gia Lai những chặng đường chiến công. Đêm nhạc dự kiến diễn ra vào tối 31-8 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Những ngày qua, hòa chung không khí hân hoan hướng về Tết Độc lập trên cả nước, ca sĩ Bích Mận cùng đội ngũ diễn viên của Nhà hát đã hăng say tập luyện với mong muốn mang đến cho khán giả những tiết mục hào hùng và ấn tượng nhất.

Ca sĩ Bích Mận (bìa trái) tập luyện để tham gia chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2023). Ảnh: M.T

Ca sĩ Bích Mận (bìa trái) tập luyện để tham gia chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2023). Ảnh: M.T

Ca sĩ Bích Mận bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào mỗi khi được tham gia biểu diễn chào mừng đại lễ 2-9. Bởi đây là dịp để nghệ sĩ trẻ như chúng tôi-những người sinh ra trong thời bình và thừa hưởng trọn vẹn thành quả cách mạng có cơ hội được bày tỏ tình yêu với Tổ quốc, sự trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như lòng tri ân với thế hệ cha anh đi trước đến mọi người thông qua lời ca, tiếng hát, điệu múa của mình”.

Bích Mận là một trong những ca sĩ có thế mạnh về dòng nhạc cách mạng. Sở trường này được hình thành ngay từ lúc chị còn là sinh viên Khoa Thanh nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) và tiếp tục được chị duy trì khi về “đầu quân” cho Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho đến nay. Những ca khúc được Bích Mận yêu thích và tự tin thể hiện như: Người chiến sĩ ấy, Bài ca không quên, Hò kéo pháo, Rừng xanh vang tiếng Ta lư, Đường Trường Sơn xe anh qua…

Ca sĩ Bích Mận chia sẻ, có lẽ tình yêu với nhạc cách mạng trong chị được “truyền lửa” từ các câu chuyện kể của ông bà mình-những người đã từng tham gia cuộc chiến để bảo vệ Tổ quốc; từ những tư liệu lịch sử mà chị xem được qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nên, khi được biểu diễn vào dịp Quốc khánh nói riêng và nhân các ngày lễ lớn của đất nước nói chung, trong chị đều dấy lên một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, đặc biệt. “Mỗi lời ca, tiếng hát cất lên, tôi đều đặt cảm xúc của mình vào đó nhiều hơn. Đôi khi, tôi còn bị cuốn theo luồng cảm xúc của bài hát, của hoạt cảnh trên sân khấu mà giọng hát nghẹn lại. Những lúc như thế, điều làm tôi hạnh phúc là vẫn được mọi người đón nhận, cổ vũ nhiệt tình”-ca sĩ Bích Mận tâm sự.

Cũng theo nữ ca sĩ, không riêng giới văn nghệ sĩ mà trong suốt hơn 7 thập niên qua, niềm tự hào về ngày Quốc khánh luôn hiện diện trên ánh mắt, nụ cười và cả trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam. Bởi ai cũng hiểu rằng, ngày Tết Độc lập là thành quả cách mạng vĩ đại được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của cha ông đi trước. Và, thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có chị, vẫn đang tiếp tục kế thừa, gìn giữ và bảo vệ thành quả ấy bằng cách riêng của mình để bản hùng ca “mùa thu tháng 9” mãi mãi trường tồn cùng năm tháng.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/quoc-khanh-trong-trai-tim-nghe-si-post247728.html