Quốc Oai: Xã Tuyết Nghĩa đồng sức, đồng lòng chống lũ

Càng trong khó khăn người ta mới thấy được sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Điều này đang được thể hiện tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Trắng đêm canh đê Tả Tích

Khuya 11/9, có mặt tại khu vực đầu đê Tả Tích, thuộc địa phận thôn Ro, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, PV ghi nhận một điếm canh đê còn sáng đèn. Trong không gian chỉ khoảng 15 mét vuông, một tổ trực gác vẫn đang thức trắng, cứ khoảng 15 phút lại có một tốp 2 người chạy xe máy dọc tuyến nghe ngóng tình hình.

Trao đổi với PV, Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Muôn Ro cho biết, điều lo nhất là an toàn và việc đi lại của người dân trong thời gian mưa lũ. Ca trực yêu cầu những phương tiện ô tô quay đầu ngay tại đầu đê để bảo vệ tuyến đê Tả Tích, tránh những trường hợp không tốt xảy ra.

 Lực lượng gác đêm điếm canh đê địa bàn thôn Ro, xã Tuyết Nghĩa.

Lực lượng gác đêm điếm canh đê địa bàn thôn Ro, xã Tuyết Nghĩa.

Ông Nam cũng cho biết, mỗi ca trực đêm các kíp trực cũng thay nhau ngủ nhưng gần như không ai ngủ được. Chúng tôi thức trắng vì mưa lớn và hơn nữa là nỗi lo, phải cập nhật thường xuyên đảm bảo an toàn cho đê.

Cùng trực đêm cùng ông Nam, ông Nguyễn Văn Đang - xã viên Hợp tác xã cho hay, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Quốc Oai và UBND xã Tuyết Nghĩa, chúng tôi là xã viên cũng phải có trách nhiệm cùng cán bộ lo cho người dân, bảo vệ an toàn cho Nhân dân.

“Mưa rầu ruột không ngủ được. Càng mưa chúng tôi lại càng lo, càng phải kiểm ttra và cập nhật thường xuyên vì sợ đê xảy ra sự cố. Nửa đêm lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã còn xuống tận nơi động viên anh em thì chẳng có lý do gì chúng tôi - những xã viên lại không đồng lòng, san sẻ nỗi lo cùng các lãnh đạo”, ông Nguyễn Văn Đang nói.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa xuống động viên lực lượng trực gác đê.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa xuống động viên lực lượng trực gác đê.

10h30 đêm 11/9, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa từ trụ sở UBND xã xuống điếm canh đê tại địa phận thôn Ro. Bà Loan chia sẻ, toàn bộ lãnh đạo và các cơ quan đoàn thể xã Tuyết Nghĩa đều trực 24/24h. Tuy nhiên, lực lượng trực gác canh đê rất vất vả và đang thực hiện công việc vô cùng quan trọng.

“Trong lực lượng trực gác đê có một số bác đã cao tuổi nhưng tinh thần nhiệt huyết, tinh thần công việc khiến nhiều người trẻ phải học hỏi. Các bác vất vả, trực ban ngày và phải trắng đêm ở ngoài này để chặn xe, hướng dẫn người dân di chuyển theo hướng an toàn. Và quan trọng hơn là phải cập nhật tình hình thường xuyên với cơ quan chức năng của xã”, Bí thư xã Tuyết Nghĩa chia sẻ.

 Bí thư huyện ủy Quốc Oai trao đổi, động viên các nhân sự trực điểm đê tại thôn Ro, xã Tuyết Nghĩa vào đêm 10/9.

Bí thư huyện ủy Quốc Oai trao đổi, động viên các nhân sự trực điểm đê tại thôn Ro, xã Tuyết Nghĩa vào đêm 10/9.

Bà Loan nói thêm, thấu hiểu được sự vất vả của lực lượng gác đê nên Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện cùng các cơ quan ban ngành rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi động viên. Trong đêm 10/9, đoàn công tác của huyện ủy gồm Bí thư huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ cùng các ban, ngành đoàn thể của huyện đã tổ chức kiểm tra, thăm hỏi động viên lực lượng ứng trực hộ đê ở xã Tuyết Nghĩa, trong đó có điểm thôn Ro.

Chùa Liên Trì gói bánh chưng hỗ trợ bà con lũ lụt

Cũng trong tối 11/9, tại chùa Liên Trì, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, những cặp bánh chưng đã được gói để chuẩn bị tiếp tế, hỗ trợ những hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn.

 Người dân hăng hái tham gia gói bánh chưng để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ.

Người dân hăng hái tham gia gói bánh chưng để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ.

Thượng tọa Thích Trường Xuân - Trụ trì chùa Liên Trì cho biết, việc gói bánh chưng không có sự chuẩn bị trước bởi bão lũ đến bất ngờ. Nhưng trên tinh thần tương thân tương ái, nhà chùa đã nhanh chóng huy động tất cả các nguồn lực, từ 15h đến 18h, các nguyên liệu như lá, gạo, đậu,… đã chuẩn bị xong và đến 19h tiến hành gói bánh. Ngoài ra, tinh thần của nhân dân cũng rất cao, tất cả đều hướng tới người dân bị ảnh hưởng do lũ.

 Ngoài việc trực theo sự phân công của cấp trên, các chiến sĩ công an cũng tham gia công tác ý nghĩa này.

Ngoài việc trực theo sự phân công của cấp trên, các chiến sĩ công an cũng tham gia công tác ý nghĩa này.

“Việc thiên tai lũ lụt đến bất ngờ, đây là điều chẳng ai mong muốn. Chúng ta gói những chiếc bánh để chung tay với cộng đồng, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải. Với tinh thần “tương thân tương ái” trong lúc hoạn nạn của dân tộc Việt Nam, khi có tin về hoạt động gói bánh, từ già tới trẻ rất hào hứng, từ các cơ quan, đoàn thể, các ban ngành đều chung tay, đều có chung suy nghĩ là đem một cái gì đó, dù nhỏ nhất để góp phần chia sẻ, động viên trong lúc khó khăn”, Thượng tọa Thích Trường Xuân nói.

 Thiếu tá Kiều Doãn Mạnh, Phó trưởng Công an xã Tuyết Nghĩa gói bánh chưng tại chùa Liên Trì.

Thiếu tá Kiều Doãn Mạnh, Phó trưởng Công an xã Tuyết Nghĩa gói bánh chưng tại chùa Liên Trì.

Từ chiều 11/9, người dân đã đến chùa Liên Trì để cọ lá dong, ngân gạo. Đúng 19h tối, Thượng tọa Thích Trường Xuân cùng bà con tiến hành gói bánh. Trong đó có cả đại diện Đảng ủy, Ủy ban, Công an cùng các đoàn thể của xã Tuyết Nghĩa đến gói cùng.

Ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Quốc Oai cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện đã kêu gọi ủng hộ và tiếp nhận một số hàng hóa của các mạnh thường quân như gạo, mì tôm, nước mắm,… Dự kiến ngày 12/9 sẽ trao quà hỗ trợ đợt 1 cho các hộ bị ảnh hưởng. Đồng thời, huyện cũng tổ chức nấu cơm cho các hộ dân tại các điểm cư trú tạm thời. Bên cạnh đó, huyện cũng vận động các nhà chùa gói bánh chưng để trao cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

 Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, việc chùa Liên Trì tổ chức gói bánh chưng ủng hộ đồng bào lũ lụt là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, việc chùa Liên Trì tổ chức gói bánh chưng ủng hộ đồng bào lũ lụt là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

 Thượng tọa Thích Trường Xuân - Trụ trì chùa Liên Trì cho biết, tinh thần của nhân dân trong công tác xã hội rất cao, tất cả đều hướng tới người dân bị ảnh hưởng do lũ.

Thượng tọa Thích Trường Xuân - Trụ trì chùa Liên Trì cho biết, tinh thần của nhân dân trong công tác xã hội rất cao, tất cả đều hướng tới người dân bị ảnh hưởng do lũ.

 Những cặp bánh chưng sẽ được chuyển đến tận tay người dân đang ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Những cặp bánh chưng sẽ được chuyển đến tận tay người dân đang ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Quốc Oai căng sức gia cố đê

Sáng 12/9, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai cho biết, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc tính đến 6h30 ngày 12/9 là 8,64m trên mức báo động III 0,64m. Hiện 8 xã bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Ngọc Liệp, Hòa Thạch, Yên Sơn với 1.120 hộ 4.655 nhân khẩu. Huyện đã sơ tán với 226 hộ với 860 nhân khẩu đã được chuyển về nhà người thân và khu tạm cư đảm bảo an toàn. Các hộ ngập sâu đã chuyển lên tầng cao hơn để sinh hoạt. Các khu vực bị ngập này vẫn được duy trì và cấp điện đầy đủ an toàn và đều được cấp nước sạch.

Bên cạnh đó, ngày 11/9, UBND huyện Quốc Oai cũng đã ban hành thông báo cấm các phương tiện giao thông qua các cầu Phú Long (xã Phú Cát), cầu Liệp Mai, cầu Ngã Tư (xã Ngọc Liệp), cầu Đại Thành, cầu Tân Phú, cầu Sắt (xã Yên Sơn), cầu Tây Ninh (xã Sài Sơn), cầu Thông Đạt (xã Liệp Tuyết); Tuyến đường ĐH01 (đường Quốc Oai- Hòa Thạch đoạn từ cầu Hòa Thạch đến đê Tả Tích); Tuyến đường ĐH 02 (đoạn từ cầu Phú cát đến đê Tả Tích); tuyến đường 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên. Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện đã huy động hơn 300 lượt người gồm Công an huyện, Đội Thanh tra giao thông huyện, công an xã, thị trấn thực hiện các điểm chốt cấm phương tiện và điểm phân luồng giao thông.

Các tuyến đê Tích tại các xã Ngọc Liệp, Phú Cát, Hòa Thạch, Đông Yên một số điểm bị tràn. Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện, UBND các xã đã huy động lực lượng hơn 900 lượt người dân quân tự vệ, nhân dân các thôn, xóm; huy động hơn 120 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 102, Sư Đoàn 308, Z119…tham gia đắp bao tải đất chống tràn, huy động hơn 18.000 bao tải, 200 m3 đá, 300 m3 đất cát, 200 dọ đá; các phương tiện máy móc gồm 18 máy múc, 115 cưa tay, dao 150 chiếc, xuồng máy 4 chiếc và 10 ô tô và các dụng cụ cuốc, xẻng của nhân dân…. Ban chỉ huy PCTT & TCKN huyện hỗ trợ các xã hơn 10.000 bao tải để thực hiện công tác chống tràn.

"Ngay trong đêm 11/9/2024 và rạng sáng ngày 12/9/2024, đã huy động hơn 300 lượt người và vật tư theo phương châm 4 tại chỗ thực hiện đắp bao tải đất, cát tại tuyến đê bao Đông Thượng, xã Đông Yên", bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Văn Chương
Ảnh: Đức Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quoc-oai-xa-tuyet-nghia-dong-suc-dong-long-chong-lu-93113.html