Quốc tế nỗ lực giảm xung đột Armenia – Azerbaijan
Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước trên thế giới kêu gọi Armenia và Azerbaijan hạn chế leo thang căng thẳng sau khi Azerbaijan mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, khiến gần 30 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương.
Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng phần lớn dân cư ở đây là người dân tộc Armenia. Nơi đây từ lâu đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia, dẫn đến hai cuộc chiến tranh trước đây. Vào năm 2020, một cuộc xung đột nghiêm trọng đã nổ ra tại Nagorno-Karabakh. Sau đó Nga đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên. Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát tình hình, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi hai bên nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Thông tấn Interfax của Nga đêm 19/9 (giờ địa phương) dẫn lời ông Gegham Stepanyan, đại diện chính quyền vùng Nagorno-Karabakh do người Armenia kiểm soát, cho biết, ít nhất 27 người đã thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương do hoạt động quân sự của Azerbaijan ở khu vực này. Ngoài ra, hơn 7.000 người tại 16 ngôi làng đã phải sơ tán. Theo hãng tin AFP tại ngôi làng Stepanakert, các vụ pháo kích vẫn tiếp diễn đến hết ngày 19/9. Vụ giao tranh mới nhất nổ ra chỉ vài giờ sau khi Azerbaijan thông báo 4 cảnh sát và 2 dân thường đã thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở Nagorno-Karabakh.
Phía Azerbaijan hôm 19/9 tuyên bố đã tiến hành "các biện pháp chống khủng bố" nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh để "ngăn chặn các hành động khiêu khích quy mô lớn" từ phía Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ: "Theo chiến dịch này, các cứ điểm ở khu vực tiền tuyến và các điểm khai hỏa của các đơn vị lực lượng vũ trang Armenia, cũng như các phương tiện chiến đấu và cơ sở quân sự, sẽ bị các loại vũ khí có độ chính xác cao vô hiệu hóa". Bên cạnh đó, phía Azerbaijan cũng đã thông báo hoạt động này với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 nước giám sát sứ mệnh gìn giữ hòa bình mong manh ở Nagorno-Karabakh. Đáp lại, Armenia phủ nhận việc triển khai quân đội đến Nagorno-Karabakh và cáo buộc Azerbaijan đang cố gắng thực hiện "thanh lọc sắc tộc" ở khu vực này. Bộ Ngoại giao Armenia mới đây đã lên tiếng phản đối hành động quân sự của Azerbaijan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Moscow tiếp nhận thông tin này chỉ ít phút trước khi chiến dịch quân sự trên bắt đầu. Liên quan vấn đề này, phía Nga bày tỏ "quan ngại", đồng thời kêu gọi các bên xung đột "ngay lập tức chấm dứt đổ máu, các hoạt động thù địch và gây thương vong cho dân thường". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow đang nỗ lực thúc đẩy để Azerbaijan và Armenia ngồi vào bàn đàm phán. Bộ Ngoại giao Nga cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này được triển khai tại khu vực Nagorno-Karabakh đã sơ tán 469 dân thường đến địa điểm an toàn. Trong số những người được sơ tán có 185 trẻ em. Moscow cũng đã hỗ trợ y tế cho một số dân thường bị thương.
Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có ảnh hưởng ở khu vực và là đồng minh của Azerbaijan, mô tả chiến dịch quân sự của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh là "cần thiết" để giải quyết những lo ngại an ninh hợp pháp. Tuy nhiên, Ankara sẵn sàng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình. Từ châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên án chiến dịch của Azerbaijan. Tuy nhiên, Baku sau đó phản bác tuyên bố của Paris. Cũng trong ngày 19/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani kêu gọi Azerbaijan và Armenia giải quyết tranh chấp, trong đó có những vấn đề liên quan đến quyền lợi và an ninh của công dân, thông qua đối thoại. Quan chức này cũng nhấn mạnh Iran vẫn cam kết tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng và sẵn sàng tổ chức hội nghị theo thể thức 3+3 - bao gồm 3 quốc gia vùng Caucasus là Armenia, Azerbaijan và Georgia, cùng 3 nước láng giềng là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/9 đã kêu gọi Azerbaijan chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự tại Nagorno-Karabakh. Trước đó, Mỹ cùng với Liên minh châu Âu đã lên án hành động của Azerbaijan. Trong tuyên bố trên Twitter, ông Blinken nêu rõ: "Những hành động quân sự không thể chấp nhận được của Azerbaijan có nguy cơ làm tình hình nhân đạo ở Nagorno-Karabakh trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và tiến tới đối thoại trực tiếp". Trước đó cùng ngày, Reuters dẫn thông tin từ một quan chức ngoại giao của Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Blinken sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với tất cả các bên nhằm nỗ lực chấm dứt tình trạng bùng phát bạo lực nghiêm trọng ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Đáng chú ý, trang 24News của Armenia đưa tin cho hay, giới chức tại Nagorno-Karabakh đã đạt được đồng thuận về một lệnh ngừng bắn do phía lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga là trung gian. Theo đó, lệnh ngừng bắn được áp dụng từ 13 giờ ngày 20/9 (giờ địa phương - khoảng 16 giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội). Ngoài ra, lãnh đạo khu vực Nagorno-Karabakh và Azerbaijan sẽ tổ chức một cuộc họp đầu tiên để thảo luận về thỏa thuận hòa bình, dự kiến diễn ra sáng 21/9 tại thành phố Yevlakh của Azerbaijan.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh rằng việc duy trì lệnh ngừng bắn giữa phe ly khai Nagorno-Karabakh và Azerbaijan là "rất quan trọng", hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực tranh chấp đảm bảo. Ông Pashinyan trong bài phát biểu trên truyền hình cũng khẳng định: "Chúng tôi hy vọng rằng leo thang quân sự sẽ không tiếp tục, bởi vì, trong điều kiện hiện tại, điều rất quan trọng là phải đảm bảo sự ổn định và ngừng các hành động chiến đấu".