Quốc tế nổi bật: Mỹ điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân
Iran xác nhận nước này sẽ đàm phán với Anh, Pháp, Đức (hay còn được gọi là nhóm E3) và Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/11 tới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc, trong đó có nhóm E3 và Mỹ.
Mỹ điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nhiều đối thủ ngang hàng hạt nhân đang thách thức an ninh Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ. Trước tình hình môi trường an ninh thay đổi như vậy, ông Richard Johnson - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho biết, Mỹ có thể cần phải điều chỉnh Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022 để duy trì khả năng răn đe hạt nhân.
Lầu Năm Góc đã thực hiện các bước để triển khai năng lực nhằm tăng cường khả năng răn đe và tính linh hoạt của hạt nhân, giảm thiểu rủi ro cho chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Bộ Quốc phòng. Những điều này bao gồm phát triển bom trọng lực B61-13 và tăng cường khả năng sẵn sàng của tàu ngầm lớp Ohio được trang bị vũ khí hạt nhân và chạy bằng năng lượng hạt nhân.
EU và Iran sẽ nối lại đàm phán hạt nhân vào cuối tháng
Những cuộc đàm phán dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) sẽ trùng với thời điểm ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) vào tháng 5/2018, tái áp đặt các lệnh trừng phạt và thúc đẩy Iran thu hẹp một số cam kết hạt nhân của mình.
Những nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được bắt đầu triển khai từ tháng 4/2021 tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, qua nhiều vòng đàm phán, các bên vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào tháng 8/2022.
Các nghị sĩ Mỹ nỗ lực sửa luật ủng hộ Ukraine
Các nghị sĩ Mỹ ủng hộ Ukraine từ cả hai đảng trong Quốc hội đang gấp rút thúc đẩy thông qua các điều khoản quan trọng nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev trước tháng 1/2025. Nỗ lực này nhằm đối phó với nguy cơ viện trợ bị gián đoạn do chuyển giao quyền lực sang chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump và đảng Cộng hòa kiểm soát toàn diện Quốc hội.
Nếu được thông qua, Đạo luật Đứng về phía Ukraine (Stand With Ukraine Act) sẽ buộc tổng thống phải đề xuất duy trì hỗ trợ quân sự và kinh tế liên tục cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Dự luật này được xây dựng để vượt qua những bất đồng chính trị ngày càng gia tăng về việc thông qua các gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Hungary triển khai hệ thống phòng không gần biên giới với Ukraine
Hungary vừa quyết định triển khai hệ thống phòng không tại khu vực Đông Bắc đất nước, giáp với Ukraine. Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky công bố thông qua một thông điệp video đăng tải trên mạng xã hội mới đây.
Động thái này không chỉ nhằm bảo vệ không phận quốc gia mà còn thể hiện sự thận trọng của Budapest trước nguy cơ xung đột lan rộng.
Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu hệ thống tên lửa Pinaka
Ấn Độ đã bắt đầu bàn giao các hệ thống tên lửa Pinaka do nước này nghiên cứu và chế tạo cho Armenia. Pinaka là hệ thống tên lửa đa nòng có độ chính xác cao, do Viện Nghiên cứu và Phát triển vũ khí (ARDE), trực thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), Ấn Độ.
Đây không phải là lần đầu các hệ thống tên lửa do DRDO phát triển được xuất khẩu ra nước ngoài. Ấn Độ từng có hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không Akash cho Armenia. Theo nguồn tin, lô đầu tiên của các hệ thống bệ phóng tên lửa đa nòng Pinaka đã được chuyển đến Armenia.
Cựu Tổng thống Medvedev tiết lộ nguồn gốc vũ khí Nga đang dùng
Theo Tass, khi được hỏi liệu Nga có nhận vũ khí từ một số quốc gia khác như Trung Quốc, Triều Tiên hay Iran không, ông Medvedev đã trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al Arabiya như sau: "Trong tình hình hiện tại, khi toàn bộ khối NATO đối đầu với Nga... khi thực tế là Nga không chỉ đang trong tình trạng chiến tranh hỗn hợp mà sau những sự việc được nhiều người biết tới, Nga đang trong một cuộc chiến trực tiếp với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, phần lớn vũ khí và thiết bị của Nga được sản xuất trong nước. Cùng lúc, tất nhiên, chúng tôi hợp tác với nhiều quốc gia".
Ông Medvedev lưu ý phần lớn thiết bị quân sự, vũ khí, cái gọi là thiết bị đặc biệt, phương tiện hủy diệt, tên lửa và đạn pháo được sản xuất tại Nga, gồm cả tại các doanh nghiệp như Uralvagonzavod.
Jordan coi vụ nổ súng gần Đại sứ quán Israel là 'tấn công khủng bố'
Ngày 24/11, Bộ trưởng Truyền thông Jordan Muhannad Mubaidin cho biết nhà chức trách nước này coi vụ nổ súng gần Đại sứ quán Israel ở khu vực Rabiah, thủ đô Amman, trước đó cùng ngày là “vụ tấn công khủng bố” nhằm vào lực lượng an ninh.
Theo các nguồn tin, một người đàn ông đã nổ súng vào lực lượng an ninh đang tuần tra ở Rabiah, khiến 3 cảnh sát bị thương nhẹ. Lực lượng chức năng đã truy đuổi đối tượng - vốn mang theo một khẩu súng tự động - và đã nổ súng tiêu diệt khi y ngoan cố chống trả.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Truyền thông Jordan Mubaidin nhấn mạnh bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc tấn công các nhân viên an ninh đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.