Quốc tế nổi bật: Tổng thống Nga Vladimir Putin xin lỗi bà Angela Merkel
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đưa ra lời xin lỗi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel vì trong cuộc gặp bà Angela Merkel vào năm 2007.
Tổng thống Nga Vladimir Putin xin lỗi bà Angela Merkel
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đưa ra lời xin lỗi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel vì trong cuộc gặp bà Angela Merkel vào năm 2007, ông Vladimir Putin đã mang theo chú chó Labrador đen Koni vào phòng họp khiến bà sợ hãi. Sự kiện này đã trở thành sự cố ngoại giao tai tiếng. Ông Vladimir Putin cho biết: “Tôi đã nói với bà Merkel rằng tôi không biết bà ấy sợ chó. Nếu biết, tôi sẽ không bao giờ làm vậy. Ngược lại, tôi muốn tạo ra một bầu không khí thoải mái, dễ chịu. Một lần nữa tôi xin gửi lời đến bà ấy. Bà Angela, xin hãy tha thứ cho tôi! Tôi không hề muốn gây bất kỳ cảm giác khó chịu nào tới bà”.
Nga tính thị uy Mỹ tại châu Á
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vừa đưa ra lời cảnh báo về khả năng Moscow sẽ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bước đi trên sẽ được coi là phản ứng từ phía Nga trước những hành động của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ông Sergei Ryabkov cũng đưa ra lưu ý rằng những hành động của Mỹ, bao gồm việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí tấn công đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cyprus sẽ gia nhập NATO?
Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides vừa lên tiếng cho biết nước này có thể nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi quân đội Cyprus nhận được sự huấn luyện và trang thiết bị cần thiết từ Mỹ để đáp ứng được tiêu chuẩn của khối liên minh quân sự này. Ông Nikos Christodoulides cho biết mặc dù Cyprus không thể gia nhập NATO vào thời điểm này vì vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Lực lượng Vệ binh Quốc gia Cyprus nên được tạo cơ hội nâng cao năng lực phòng thủ thông qua sự hỗ trợ của Mỹ.
Gruzia sẽ gia nhập EU vào năm 2030
Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze vừa đưa ra tuyên bố nước này sẽ hoãn các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu cho đến năm 2028. Ông Irakli Kobakhidze cho biết mục tiêu của đất nước là gia nhập EU vào năm 2030. Đồng thời, ông Irakli Kobakhidze cũng đưa ra lời chỉ trích một số chính trị gia châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của Gruzia, đặc biệt là về một đạo luật gây tranh cãi liên quan đến ảnh hưởng của nước ngoài dẫn đến việc dừng tiến trình gia nhập EU.
Israel sẽ ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa đưa ra tuyên bố sẽ làm mọi cách, sử dụng mọi nguồn lực có thể để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Netanyahu đưa ra tuyên bố trên ngay trước nỗ lực giữa Iran và 3 cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Đức nhằm tổ chức cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran. Hiện tại, chưa có một quốc gia nào ở Trung Đông có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Israel được cho là đã sở hữu vũ khí hạt nhân, dù nước này chưa bao giờ xác nhận điều đó.
Lời thừa nhận của Tổng thống Pháp
Trong bức thư gửi chính quyền Senegal, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên chính thức gọi vụ giết hại các binh sĩ Tây Phi vào năm 1944 là một "cuộc thảm sát". Theo các tài liệu lịch sử đã ghi chép lại thì căng thẳng đã nổ ra trong những ngày trước sự kiện này khi các binh sĩ Tây Phi yêu cầu được trả đầy đủ lương và quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, vào ngày định mệnh đó, quân Pháp đã bao vây, tước vũ khí và nổ súng sát hại các binh sĩ của chính mình. Thảm kịch Thiaroye từ lâu bị che giấu hoặc lãng quên trong ký ức lịch sử chính thống của Pháp. Sự kiện này gợi lên những câu hỏi đau xót về cách nước Pháp đối xử với những người lính thuộc địa. Ông Emmanuel Macron cũng cam kết sẽ hỗ trợ quá trình làm rõ sự thật, bao gồm việc theo dõi hoạt động của Ủy ban Khôi phục Sự kiện.
Pháp hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện
Thủ tướng Pháp Michel Barnier vừa đưa ra tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện được đưa ra trong dự thảo ngân sách năm 2025. Theo kế hoạch ngân sách được đưa ra trước đó, Chính phủ Pháp kỳ vọng sẽ thu được khoảng 3 tỷ euro từ việc tăng thuế điện, vốn đã được giảm gần như bằng 0 trong suốt 2 năm khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách của chính phủ của ông Michel Barnier đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả phe cánh tả và cực hữu, khiến Thủ tướng Barnier và chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.