Quốc tế ứng phó 'bão thuế quan' của Mỹ
Trước những tác động lớn từ làn sóng thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều quốc gia đã nhanh chóng hành động - hoặc đáp trả mạnh mẽ, hoặc đàm phán thương lượng - nhằm ứng phó với cơn 'bão thuế quan' của Mỹ.
Những ngày qua, thế giới đã vô cùng bất ngờ trước mức thuế đối ứng cao hơn nhiều so với dự kiến được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hôm 2/4. Cụ thể, Mỹ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ từ ngày 5/4, đồng thời áp thuế đối ứng tùy cao theo từng đối tác thương mại, có hiệu lực từ ngày 9/4.
Ngày 6/4 (giờ địa phương), trả lời phỏng vấn ABC News, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hassett cho biết, hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để bắt đầu đàm phán thương mại. Giới chuyên gia nhận định, các nước đang hành động một cách nhanh chóng nhưng khá thận trọng để ứng phó trước nguy cơ biến động của thương mại toàn cầu.

Báo chí đưa tin về chính sách thuế quan đối ứng mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Châu Âu tìm biện pháp tương xứng
Reuters đưa tin, các Bộ trưởng phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 bắt đầu nhóm họp tại Luxembourg. Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ "tập trung thảo luận vào các bước tiếp theo liên quan đến Mỹ" và cách chuẩn bị cho châu Âu trước bất kỳ "sự chuyển hướng thương mại" tiềm ẩn nào, bao gồm cả hỗ trợ cho các công ty. Nhưng ông mô tả tình hình này "như một sự thay đổi mô hình cho hệ thống thương mại toàn cầu".
Bộ trưởng thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa thì cho rằng quyết định của Mỹ là "cực kỳ đáng tiếc" và EU "sẵn sàng áp dụng các biện pháp đối phó có mục tiêu rõ ràng và tương xứng" với "mọi lựa chọn đang được cân nhắc ngay lúc này". "Khi Trung Quốc, Canada và EU đưa ra các biện pháp đối phó trong những ngày và tuần tới, điều này sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền Mỹ để đàm phán với chúng tôi", ông nói.
Trong một tuyên bố hôm 7/4, Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz đã cảnh báo: "Tình hình trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu quốc tế đang rất nghiêm trọng và có nguy cơ xấu đi hơn nữa . Do đó, Đức cần khôi phục khả năng cạnh tranh quốc tế của mình càng nhanh càng tốt".
Với chính phủ Anh, việc công bố gói hỗ trợ toàn diện cho ngành ôtô của nước này được cho là một nỗ lực đối phó với áp lực ngày càng tăng từ các mức thuế cao của Mỹ và xu hướng chuyển dịch toàn cầu sang xe điện (EV). Thủ tướng Keir Starmer cho biết chính phủ quyết tâm hành động mạnh để hỗ trợ ngành sản xuất ôtô. Ông nói: "Thương mại toàn cầu đang chuyển đổi. Vì vậy, hôm nay tôi công bố những thay đổi táo bạo để hỗ trợ ngành sản xuất ôtô trong nước". Cũng theo nhà lãnh đạo Anh, những cải cách sẽ giúp các công ty của nước này tăng cường xuất khẩu ra toàn cầu và đảm bảo việc làm trong nước.
Châu Á phản ứng linh hoạt
Phát biểu tại một cuộc họp ngày 7/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng các nước thành viên ASEAN cần cùng nhau thiết lập một thỏa thuận chung để đối phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán và thảo luận sắp tới. Mặc dù không đồng tình với cách thức áp thuế của Mỹ nhưng Thủ tướng Anwar khẳng định chính phủ Malaysia sẽ chọn cách tiếp cận ôn hòa vì nhận thấy vẫn còn khả năng thảo luận và đàm phán, và có những trường hợp ngoại lệ cần được xác định chi tiết.
Ở một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cùng ngày tuyên bố sẵn sàng tới Mỹ để thảo luận về chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump, vốn sẽ gây những tác động nặng nề đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Nhật Bản. Phát biểu tại phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Ishiba mô tả việc Tổng thống Trump áp thuế đối với ôtô nhập khẩu, ngành công nghiệp trọng yếu của Nhật Bản, là điều "rất đáng thất vọng", nhất là khi Nhật Bản không làm điều gì không công bằng với phía Mỹ. Vì thế, ông sẵn sàng sang Mỹ để gặp Tổng thống Trump sớm nhất có thể, nhưng từ giờ tới lúc đó, Nhật Bản cần phải chuẩn bị một gói đề xuất về những biện pháp có thể tiến hành trong thương mại với Mỹ. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói rõ chính phủ của ông sẽ yêu cầu Tổng thống Trump hạ thuế đối với Nhật Bản, cho dù chưa thể đạt được ngay kết quả.
Tại Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ tiếp tục leo thang, Tân Hoa Xã đưa tin, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua đã tổ chức hội nghị bàn tròn với hơn 20 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có các thương hiệu lớn như Tesla, Medtronic… nhằm kêu gọi hợp tác ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Phó đại diện đàm phán thương mại quốc tế Trung Quốc Lăng Kích nhấn mạnh, bất chấp những biến động của tình hình quốc tế, Trung Quốc vẫn kiên định với con đường cải cách mở cửa, đồng thời khẳng định chủ nghĩa đa phương là chìa khóa để vượt qua các thách thức toàn cầu. Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp Mỹ. Cùng ngày, khi đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng so với đồng USD, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tăng dự trữ vàng tháng thứ 5 liên tiếp.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/quoc-te-ung-pho-bao-thue-quan-cua-my-i764395/