Quý 1, lực lượng lao động và số người có việc làm đều tăng nhẹ

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1 là 52,4 triệu người, tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước, đã quay trở lại theo xu hướng phát triển như trước đại dịch COVID-19.

Công nhân làm giày da Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Công nhân làm giày da Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt thực hiện giải pháp trong Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.

Về tình hình kinh tế-xã hội quý 1, Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Về thị trường lao động, Việt Nam đã có những mặt tích cực và hạn chế. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý 1 tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

51,3 triệu người có việc làm

Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, lao động có việc làm quý 1 ước tăng 174.100 người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước giảm 0,01 điểm phần trăm; thu nhập bình quân của lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 549.000 đồng.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1 là 52,4 triệu người, tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19.

Trong quý 1, số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 174.100 người so với cùng kỳ năm trước.

 Công nhân làm việc trong khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Công nhân làm việc trong khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý 1 là 27,8%, tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam. Mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục.

Việt Nam đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện, quý 1 là 7,6 triệu đồng, tăng 301.000 đồng so với quý trước và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước như hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi.

Nhờ việc tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, so với quý trước, tình hình thất nghiệp quý 1 có cải thiện.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,24%, giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3% kể từ quý 1/2022.

Còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo

Tuy có nhiều tích cực nhưng thị trường lao động Việt Nam trong quý 1 cũng có nhiều điểm hạn chế như chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

 Một giờ học sửa chữa hệ thống điện tại Trường Cao đẳng nghề Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Một giờ học sửa chữa hệ thống điện tại Trường Cao đẳng nghề Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý 1 là 33,3 triệu người tăng 240.100 người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng (tăng 696.300 người).

Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 1 là 64,8%, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng so với quý 4/2023 và tăng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi.

 Đông đảo người lao động tìm việc tại Ngày hội việc làm ngành nghề kiến trúc, xây dựng do Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đông đảo người lao động tìm việc tại Ngày hội việc làm ngành nghề kiến trúc, xây dựng do Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Trong quý 1, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,99%, tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn là 6,87%.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế-xã hội.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý 1/2020 đến quý 2/2022, tỷ lệ này ở mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý 3/2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý 1/2024, tỷ lệ này là 4,4% (tương ứng hơn 2,3 triệu người).

Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (31,3%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-1-luc-luong-lao-dong-va-so-nguoi-co-viec-lam-deu-tang-nhe-post938526.vnp