Quỹ APIF đã tạo đà cho nhiều doanh nghiệp, HTX tại Bắc Kạn phát triển

Quỹ APIF thuộc Dự án CSSP hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo nên chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Kạn. Quỹ đã tài trợ cho 09 doanh nghiệp, HTX tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng với 2.511 hộ dân liên kết.

 Mô hình bao tiêu, liên kết phát triển dong riềng của HTX Tài Hoan, huyện Na Rì

Mô hình bao tiêu, liên kết phát triển dong riềng của HTX Tài Hoan, huyện Na Rì

Quỹ APIF đã hỗ trợ nguồn lực tài trợ cho một số HTX, doanh nghiệp để xây dựng nhà xưởng, nhà kho, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm nông sản, xúc tiến thương mại (XTTM). Các đơn vị tham gia quỹ APIF đều đang hoạt động, có tài sản, vốn lưu động, nhân lực. Khoản hỗ trợ từ Quỹ APIF đã góp phần thúc đẩy các đơn vị nhận tài trợ có khả năng phát triển tốt hơn, mở rộng sản xuất, tiếp cận với thị trường và liên kết sản xuất với các hộ nông dân trong tỉnh.

Một trong 02 HTX tiêu biểu được Quỹ APIF hỗ trợ đã đưa sản phẩm nông sản Bắc Kạn vươn xa là HTX miến dong Tài Hoan ở Na Rì và HTX Tân Thành tại thành phố Bắc Kạn. Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ: HTX được quỹ APIF hỗ trợ 1,65 tỷ đồng, kỳ hỗ trợ năm 2020 - 2023 để mua 1 dây chuyền tráng miến sấy bánh dẻo và một trạm cân điện tử. Từ nguồn vốn đầu tư này HTX đã đưa công suất từ 600kg/ngày lên 2,5 tấn miến thành phẩm/ngày. Năng suất tăng, việc xuất bán hàng cũng nhiều hơn, cân điện tử được đầu tư kịp thời giúp khách hàng kiểm tra trọng lượng hàng theo lô, cân cả xe và hàng, góp phần rút ngắn thời gian giao nhận hàng cho khách hàng. Dự án CSSP đã giúp HTX phát triển thông qua hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư, cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu về phương pháp sản xuất hiện đại, kiểm soát chất lượng, đóng gói và xây dựng thương hiệu.

 Sản phẩm miến của HTX đã xuất khẩu sang CH Séc, Australia và Mỹ

Sản phẩm miến của HTX đã xuất khẩu sang CH Séc, Australia và Mỹ

Đến nay sản phẩm miến của HTX Tài Hoan đã xuất khẩu sang CH Séc, Australia và Mỹ. Để có sản phẩm đạt 5 sao OCOP, phải nói đến sự quan tâm của tỉnh, Quỹ APIF đã giúp HTX nâng cao năng lực sản xuất, khâu nối thị trường trong và ngoài nước.

Một trong những HTX cũng được nhận hỗ trợ từ nguồn Quỹ APIF hơn 1,6 tỷ đồng là HTX Tân Thành, địa chỉ tại xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2017 về trước, xã Nông Thượng nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung có diện tích trồng nghệ nếp khá lớn. Tuy nhiên việc tiêu thụ của nhiều nông dân gặp khó khăn do chưa có nhà máy chế biến củ nghệ. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy các sản phẩm từ nghệ rất tốt cho sức khỏe, tôi đã thành lập HTX Nông nghiệp Tân Thành. Sau đó, đi Quảng Ninh, Hà Nội và nhiều địa phương khác để tìm hiểu quy trình chế biến củ nghệ, mua sắm máy móc.

 Quỹ APIF tài trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho HTX Tân Thành, giúp HTX này bứt phá.

Quỹ APIF tài trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho HTX Tân Thành, giúp HTX này bứt phá.

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực cải tiến, HTX đã đưa ra thị trường sản phẩm tinh bột nghệ nếp, nếp đen, nếp đỏ. Cùng với đó, được Quỹ APIF hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng, HTX đã mua sắm trang thiết bị, máy móc sản xuất. Kỳ hỗ trợ 2019-2020, dòng vốn hỗ trợ kịp thời như giải được cơn khát, từ khoảng chục sản phẩm ban đầu đến nay HTX đã có 23 sản phẩm.

Hiện nay HTX Tân Thành có 02 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 Bộ sản phẩm đạt chứng nhận Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Ngoài ra vùng nguyên liệu của HTX đã đạt chuẩn hữu cơ và đã được cấp mã số vùng trồng. Để có được chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX chứng minh bằng việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng. Việc đạt chuẩn OCOP không chỉ giúp HTX phát triển mà còn giúp rất nhiều hộ dân trồng nghệ nâng cao thu nhập.

 HTX Tân Thành là địa chỉ tham quan của nhiều đoàn khách du lịch đến Bắc Kạn để học tập, liên kết sản xuất chế biến nghệ.

HTX Tân Thành là địa chỉ tham quan của nhiều đoàn khách du lịch đến Bắc Kạn để học tập, liên kết sản xuất chế biến nghệ.

Từ nguồn vốn hỗ trợ CSSP, tháng 7/2021, Hợp tác xã Tân Thành đã mạnh dạn bước vào thị trường số bằng cách khai trương gian hàng trực tuyến trên SmartGap (https://smartgap.vn/), sàn thương mại điện tử (TMĐT)của Việt Nam, chuyên kết nối các HTX nông nghiệp và người tiêu dùng trên toàn quốc. Đưa hơn 10 sản phẩm nghệ lên sàn TMĐT với mô tả chi tiết, hình ảnh và dữ liệu dinh dưỡng. "Đây là một bước đi táo bạo. Lúc đầu, chúng tôi lo lắng về việc bán hàng trực tuyến, nhưng HTX đã dũng cảm để thay đổi", chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX cho hay.

Ông Hoàng Văn Giáp, Giám đốc Dự án CSSP Bắc Kạn đánh giá: Hầu hết các doanh nghiệp, HTX nhận được nguồn lực hỗ trợ từ Quỹ APIF đã có thêm đà phát triển. Quỹ APIF hỗ trợ vào thời điểm "vàng" khi các doanh nghiệp, HTX chế biến nông sản đang trải qua quãng đường khó khăn. Như HTX Tân Thành, chỉ trong vài tháng, bước ngoặt chiến lược này đã mang lại những "trái ngọt" xứng đáng. Doanh thu hằng năm của HTX, năm sau cao hơn năm trước

Quỹ APIF được triển khai là cơ hội giúp các hộ có kiến thức, kỹ năng sản xuất, có thêm nguồn thu nhập, có cơ hội giảm nghèo so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Các liên kết sản xuất tạo các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, sản xuất bền vững hơn thông qua các quy trình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật giữa các đơn vị nhận tài trợ và các hộ nông dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS./.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/quy-apif-da-tao-da-cho-nhieu-doanh-nghiep-htx-tai-bac-kan-phat-trien-post65622.html