Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Chia sẻ khó khăn với người lao động
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ - BNN) quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 25/6/2015. Thời gian qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện, chia sẻ khó khăn với NLĐ.
Bảo đảm an sinh
Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN có ý nghĩa quan trọng, là “điểm tựa” chia sẻ khó khăn đối với NLĐ không may gặp rủi ro, tai nạn trong quá trình làm việc. Theo quy định, đối tượng áp dụng chính sách là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
NLĐ bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý và bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. BHXH tỉnh sẽ chi trả trợ cấp một lần đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% và trợ cấp hằng tháng với người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Gần 4 năm trước, anh Ngô Văn Kh., công nhân một DN tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) không may gặp TNLĐ. Cú va chạm mạnh khi đang làm việc khiến anh chấn thương cột sống, suy giảm khả năng lao động đến 90% nên không thể trở lại dây chuyền sản xuất.
Anh Kh. được BHXH tỉnh giải quyết chế độ hưởng trợ cấp hằng tháng với số tiền hơn 3,8 triệu đồng. Đang là lao động chính trong gia đình, nay mất sức khỏe, mất khả năng lao động, tiền trợ cấp giúp anh cùng người thân vợi đi phần nào khó khăn. Còn với anh Nguyễn Văn Th. ở TP Bắc Giang sau khi bị TNLĐ mất 15% sức khỏe, anh được hưởng trợ cấp một lần với số tiền là 172 triệu đồng. Quá trình anh Kh. và anh Th. làm thủ tục giải quyết hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp được cán bộ chuyên môn hướng dẫn hoàn tất nhanh gọn.
Theo BHXH tỉnh, hiện định kỳ hằng tháng đơn vị chi trả gần 1 tỷ đồng trợ cấp TNLĐ - BNN cho 957 người. Ngoài chi trả cho người gặp rủi ro, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN còn hỗ trợ thanh toán phí giám định, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ - BNN hằng tháng.
Theo BHXH tỉnh, hiện định kỳ hằng tháng đơn vị chi trả gần 1 tỷ đồng trợ cấp TNLĐ - BNN cho 957 người.
Ngoài chi trả cho người gặp rủi ro, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN còn hỗ trợ thanh toán phí giám định, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ - BNN hằng tháng.
Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã chi trả cho các khoản trên hơn 1 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn
Bên cạnh khối cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn công nhân người địa phương và tỉnh ngoài đến làm việc.
Theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trách nhiệm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN thuộc về người sử dụng lao động với mức đóng bằng 0,5% mức lương cơ sở cho mỗi NLĐ. Mức đóng sẽ chỉ còn 0,3% nếu DN bảo đảm một số điều kiện: Trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; chấp hành báo cáo định kỳ về an toàn vệ sinh lao động đúng thời hạn; tần suất TNLĐ giảm từ 15% trở lên/năm.
Để việc thực hiện chính sách hiệu quả, thời gian qua các cơ quan: BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ, trong đó có đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN.
Cùng đó, yêu cầu DN thường xuyên rà soát, cải tiến quy trình sản xuất, môi trường làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Tùy tính chất công việc, DN phối hợp với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm NLĐ mắc BNN để có biện pháp điều trị hiệu quả. Đánh giá của BHXH tỉnh, đa số chủ sử dụng lao động đã chấp hành tốt quy định, quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách cho NLĐ.
Những năm gần đây, BHXH tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, liên thông, chia sẻ dữ liệu với BHXH các huyện để cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ TNLĐ - BNN gồm: Đơn đề nghị (theo mẫu), giấy ra viện, biên bản giám định y khoa, hóa đơn thanh toán phí giám định. So với thời điểm mới ban hành chính sách nay đã giảm nhiều giấy tờ như: Sổ BHXH, biên bản điều tra TNLĐ, biên bản khám nghiệm hiện trường.
Ông Nguyễn Quang Quyền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Thời hạn giải quyết theo quy định hiện nay là 6 ngày. Tuy nhiên, tất cả hồ sơ thuộc lĩnh vực này đều được cơ quan BHXH cấp huyện và tỉnh tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trước hạn từ 1 đến 2 ngày. Từ ngày 1/4, BHXH tỉnh thực hiện phân cấp tiếp nhận hồ sơ về các huyện, tiếp tục rút ngắn thời gian chờ đợi và chi phí đi lại cho NLĐ”.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với các ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chính sách BHXH, trong đó có bảo hiểm TNLĐ-BNN. Hình thức tuyên truyền qua các hội nghị, cuộc thi, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động, công nhân tại xóm trọ xung quanh khu công nghiệp.
Cùng với giải pháp trên, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nâng tỷ lệ NLĐ nhận chế độ qua tài khoản ngân hàng để giảm thiểu thời gian đi lại. Phối hợp với các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực lao động, việc làm, hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chậm đóng hoặc nợ BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ của NLĐ.
Xử lý nghiêm hành vi gian lận trong quá trình điều tra, giải quyết hồ sơ. Chú trọng kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu bảo đảm giải quyết, chi trả trợ cấp cho NLĐ thuận lợi, nhanh chóng.
Bài, ảnh: Hải Vân