Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Băn khoăn phương thức quản lý

Duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp phải tốn thêm nguồn lực, thời gian theo dõi chi và trích lập quỹ

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ có nhiều đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu, một số doanh nghiệp (DN) đầu mối khác lại than phiền rằng họ không muốn quản lý quỹ vì thêm phiền hà. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đề xuất giao Quỹ BOG về cho Nhà nước quản lý để khắc phục những bất cập trong việc sử dụng quỹ.

Đề xuất Nhà nước quản lý

Tại dự thảo lần 3 về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương không quy định riêng về Quỹ BOG xăng dầu, hướng tới quy định BOG xăng dầu tương tự các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp BOG xăng dầu theo quy định của Luật Giá. Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thông tin không bỏ quỹ BOG xăng dầu mà quỹ sẽ không được dùng thường xuyên. "Tức là khi giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, các bộ, ngành liên quan sẽ đánh giá mức độ biến động giá, mức độ ảnh hưởng kinh tế - xã hội, phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện" - đại diện Vụ Thị trường trong nước giải thích.

Dự thảo đang quy định Bộ Tài chính hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ BOG vào Ngân sách Nhà nước. Theo đại diện một DN xăng dầu đầu mối phía Nam, thời gian qua do một vài DN làm sai quy định, tạo nên dư luận không tốt. "Duy trì Quỹ BOG xăng dầu, DN phải tốn thêm nguồn lực, thời gian để xây dựng báo cáo, theo dõi chi và trích lập quỹ... Nếu quỹ BOG được chuyển về cho cơ quan nhà nước sẽ giúp DN thuận tiện hơn trong quản lý" - đại diện DN này nói.

Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở TP Hà Nội

Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở TP Hà Nội

Tránh tình trạng doanh nghiệp sai phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính), cho rằng chuyển quỹ này cho cơ quan nhà nước quản lý để tránh DN sai phạm, "xài chùa" tiền của dân. Tuy nhiên, cũng cần có phương thức quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách hiệu quả.

Theo TS Vũ Đình Ánh, hiện không có cơ chế chung cho việc quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách, mỗi quỹ có cơ chế riêng. Việc quản lý tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước là dấu hỏi lớn về hiệu quả. Chuyên gia Vũ Đình Ánh đề nghị nên bỏ quỹ BOG xăng dầu. "Tác dụng của Quỹ BOG xăng dầu theo đúng mục tiêu thành lập của nó là không còn nên tốt nhất bỏ đi" - ông Ánh nêu quan điểm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là vấn đề phức tạp. Để quản lý quỹ hiệu quả, Bộ Tài chính cần lập hội đồng có sự tham gia của các DN đầu mối, cơ quan liên quan để quyết định mức chi, trích lập trong những thời điểm giá thế giới biến động mạnh. Sử dụng Quỹ BOG cần triển khai một cách hiệu quả, đúng như tên gọi bình ổn thị trường. "Cần giải pháp quản lý hiệu quả, tránh các cơ quan liên quan "đá trái bóng trách nhiệm". Nếu giao về Bộ Tài chính, bộ trưởng của bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về việc sử dụng, quản lý số tiền này" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Cần cơ chế giám sát để tránh thất thoát

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhấn mạnh khi đưa quản lý quỹ BOG xăng dầu về cơ quan quản lý Nhà nước thì chính sách cũng cần có cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quy-binh-on-gia-xang-dau-ban-khoan-phuong-thuc-quan-ly-196240715205647361.htm