Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 7.000 tỉ đồng
Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến ngày 30.9 là hơn 7.058 tỉ đồng, thấp hơn 371 tỉ đồng so với thời điểm 3 tháng trước.
Bộ Tài chính vừa cho biết trong báo cáo phát đi ngày 23.11, tổng số trích quỹ bình ổn giá trong quý 3/2023 (từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 30.9.2023) là 13,92 tỉ đồng. Trong khi đó, số chi quỹ là 387,94 tỉ đồng.
Số dư quỹ bình ổn giá đến hết ngày 30.9.2023 là 7.058,55 tỉ đồng, trong khi đó số dư quỹ đến hết ngày 30.6.2023 là 7.429,33 tỉ đồng.
Hầu hết doanh nghiệp đầu mối có quỹ bình ổn dương. Riêng số dư quỹ tại Petrolimex là lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng số dư của quỹ với hơn 3.088 tỉ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỉ đồng... Trong khi đó, PVOil có số dư quỹ bị âm hơn 101 tỉ đồng; xăng dầu Tân Nhật Minh âm hơn 36 tỉ đồng...
Ngày 17.11, Chính phủ ban hành Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo Nghị định 80, nhiều quy định mới được áp dụng. Cụ thể, đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Việc này giúp mở cửa cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể chủ động, tích cực trong việc kinh doanh, buôn bán xăng dầu, cũng như đáp ứng nguồn cung xăng dầu khi có những thiếu hụt hay có những vấn đề không thỏa đáng giữa 2 bên.
Nghị định 80 rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Cụ thể, thay vì điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, theo quy định mới thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Nghị định 80 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.
Đồng thời, bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư quỹ bình ổn giá.
Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15.8, ngày 15.2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về quỹ bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
"Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo", Nghị định nêu rõ.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chỉ sử dụng, kết chuyển quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại nghị định này và các văn bản hướng dẫn thì sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thời hạn tạm dừng là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy mức độ vi phạm.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quy-binh-on-gia-xang-dau-con-hon-7-000-ti-dong-209121.html