Quy chuẩn văn hóa ứng xử trong trường học
Các cơ sở giáo dục cần đề cao vai trò, xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội.
Xây dựng bộ Quy tắc ứng xử
Bên cạnh một thế hệ trẻ hiện nay có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin cùng một nền tảng sức khỏe tốt, tinh thần cầu thị trong học tập, biết kính trọng các thầy cô, đoàn kết với bạn bè sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống, thì vẫn còn một bộ phận nhỏ các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường có biểu hiện ứng xử vô văn hóa, thậm chí đã ở vào cấp độ báo động đỏ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục khiến toàn xã hội lo lắng. Hay những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đã tạo tiền lệ xấu, góp phần làm biến tướng và thương mại hóa quan hệ thầy trò, làm mất đi cái uy nghiêm của người thầy trước học sinh và phụ huynh. Tất cả đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục.
Từ thực trạng văn hóa học đường đáng báo động, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định về việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục, từ mầm non đến các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Dựa vào đó, các cơ sở giáo dục trong toàn quốc cụ thể hóa nội dung phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa tại các vùng, miền.
Theo đó, bộ Quy tắc ứng xử của các trường sẽ chi tiết hơn quy định khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những ràng buộc cụ thể phù hợp với lứa tuổi, cấp học và đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung bộ Quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, ban đại diện cha mẹ học sinh và Ban giám hiệu nhà trường sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền đến phụ huynh thông qua việc tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh với nhà trường, nhằm khuyến khích phụ huynh phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình. Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần có trách nhiệm trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý học sinh, từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của học sinh.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Linh cho biết, trong năm học 2019 - 2020, tất cả các cơ sở giáo dục hoàn thành bộ Quy tắc ứng xử và áp dụng trong trường học. Đặc biệt với những định hướng đối với giáo dục đến năm 2030, khi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào triển khai từ năm 2020, chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực và phẩm chất sẽ là tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, thì bộ Quy tắc ứng xử sẽ là một cơ sở, nền tảng quyết định sự thành công của chương trình mới này.
Kết nối nhà trường - gia đình - xã hội
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về giải pháp xây dựng hoàn thiện và nhân rộng các mô hình giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ứng xử thiếu văn hóa trong đối tượng học sinh, sinh viên cũng được xác định là do công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, chặt chẽ; Nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống có đổi mới nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của xã hội, các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng chưa được coi trọng.
Cùng với đó là một số bất cập cơ bản của thực trạng phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Đó là sự thiếu hụt trong chia sẻ trách nhiệm giữa các bên; những nơi nào nhà trường đơn độc trong công tác giáo dục thì nơi đó chất lượng giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên không cao.
Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến đã đề xuất cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh tại gia đình vào trong các văn bản quy phạm…; Xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu về sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên trong toàn quốc.Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo ra văn hóa học đường và động lực để phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của nhà giáo, học sinh sinh viên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nhằm tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tăng cường nề nếp, kỷ luật.
Chính vì thế, các cơ sở giáo dục cần đề cao vai trò, xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên thông qua đổi mới các hoạt động giáo dục, đào tạo, nhất là các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm, rèn luyện kỹ năng.
Đây là một trong những yêu cầu bức thiết trong chiến lược xây dựng và phát triển con người Việt Nam, vừa là mục tiêu phấn đấu, động lực để phát triển, đổi mới thành công lĩnh vực giáo dục, đào tạo nước nhà.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quy-chuan-van-hoa-ung-xu-trong-truong-hoc-92428.html