Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore đàm phán rót vốn vào OpenAI
Temasek Holdings, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore đang đàm phán về kế hoạch đầu tư vào OpenAI của Mỹ. Thương vụ này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổ chức đầu tư nhà nước hậu thuẫn tài chính cho nhà phát triển ChatGPT.
OpenAI vẫn đang lỗ và cần thêm vốn đầu tư
Tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các lãnh đạo cấp cao của Temasek, một trong quỹ đầu tư lớn và tích cực trên thế giới, đã nhiều lần gặp Sam Altman, CEO của OpenAI trong những tháng gần đây.
Theo các nguồn tin, chính phủ Singapore ban đầu quan tâm đến việc đầu tư vào quỹ mạo hiểm Hydrazine Capital của Altman. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán gần đây đề cập đến cả kế hoạch rót tiền vào OpenAI. Đàm phán vẫn đang tiếp tục và chưa có thỏa thuận cuối cùng về quy mô đầu tư. Cả OpenAI và Temasek từ chối bình luận thông tin liên quan.
Các cuộc đàm phán diễn ra khi Altman tìm cách huy động vốn cho kế hoạch đầy tham vọng nhằm khởi động dự án phát triển và sản xuất chip AI, cho phép OpenAI giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chip cao cấp của Nvidia.
“Xây dựng hạ tầng AI quy mô lớn và chuỗi cung ứng linh hoạt là điều rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế. OpenAI sẽ nỗ lực hỗ trợ mục tiêu này”, Altman viết trên mạng xã hội X hồi tháng trước.
Dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng chóng mặt kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, OpenAI vẫn đang thua lỗ do chi phí xây dựng và đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn quá tốn kém, theo tiết lộ của Altman.
Người đứng đầu OpenAI và những chuyên gia trong ngành ước tính, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng AI sẽ tăng từ hàng trăm tỉ lên tới 7.000 tỉ đô la Mỹ trong những năm tới. Đó là con số nằm ngoài khả năng ngân sách của các công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ truyền thống.
Altman cũng đã thảo luận để gọi vốn từ các nhà đầu tư giàu có ở Trung Đông và châu Á bao gồm Sheikh Tahnoon bin Zayed al-Nahyan, cố vấn an ninh quốc gia của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và tỉ phú Masayoshi Son, nhà sáng lập tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank (Nhật Bản).
Danh mục đầu tư trị giá 287 tỉ đô la Mỹ của Temasek hiện nay gồm một số công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có hãng công nghệ xử lý thanh toán Stripe (Mỹ).
AI là trọng tâm đầu tư của Temasek
Ban lãnh đạo của Temasek xác định AI là trọng tâm đầu tư. Quỹ này đã rót tiền vào một loạt công ty trong lĩnh vực AI. Đáng chú ý là các khoản đầu tư vào Robin AI, công ty phát triển chatbot hỗ trợ pháp lý của Anh; Rebellions, công ty khởi nghiệp chip AI nổi tiếng của Hàn Quốc và d-Matrix, hãng thiết kế chip AI tạo sinh, có trụ sở ở Thung lũng Silicon.
Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI đã rót 13 tỉ đô la vào công ty này. Ngoài ra, OpenAI còn được nhận hậu thuẫn tài chính từ nhiều công ty đầu tư mạo hiểm tên tuổi gồm Thrive Capital, Sequoia Capital, Tiger Global Management và Andreessen Horowitz.
OpenAI trở thành một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất trong lịch sử với doanh thu hàng năm vượt 2 tỉ đô la Mỹ. Chỉ một số ít công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, đạt doanh thu 1 tỉ đô la trong vòng 10 năm từ khi thành lập.
Trong các đợt bán cổ phiếu của nhân viên cho nhà đầu tư bên ngoài trong những tháng gần đây, OpenAI được định giá lên đến 86 tỉ đô la. Con số này cao gấp ba lần giá trị của OpenAI vào tháng 4-2023.
Sự quan tâm đối với OpenAI phản ánh nỗ lực mở rộng dấu ấn toàn cầu của Temasek trong thập niên qua. Trước năm 2014, Temasek không có bất kỳ văn phòng nào ở các nước phát triển. Nhưng hiện nay, sự hiện diện của Temasek trải rộng ra bên ngoài châu Á, từ Paris và London đến San Francisco và New York.
Sự góp mặt của Temasek với tư cách là nhà đầu tư không chỉ mang lại cho OpenAI nguồn hậu thuẫn tài chính đáng kể, mà còn tạo sự hỗ trợ chiến lược để quản lý hệ sinh thái công nghệ toàn cầu phức tạp.
Cuộc đàm phán đầu tư vào OpenAI phù hợp với tầm nhìn rộng hơn của Singapore là đi đầu về công nghệ và đổi mới. Cuối năm ngoái, chính phủ Singapore công bố Chiến lược AI quốc gia lần thứ 2, với tầm nhìn đưa đất nước trở thành nơi tập hợp các nhà sáng tạo AI hàng đầu của thế giới.
Theo Financial Times, Bnn Breaking