Quy định 35 học sinh tiểu học/lớp ở Hà Nội: Khó khả thi?
Với sĩ số quá đông như hiện nay, muốn giảm sĩ số buộc phải có thêm phòng học, xây thêm trường, có thêm giáo viên mới có thể san sẻ sĩ số, tách lớp.
Bộ GD&ĐT vừa có Công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024 - 2025, trong đó yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số không quá 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu.
Thực tế, nhiều năm qua, nhiều trường tại Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp. Có một số trường tiểu học công lập ở quận Hà Đông thời con gái lớn của tôi đi học, mỗi lớp phải xếp đến sáu chục học sinh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Còn nhớ, năm 2012, khi con tôi vào lớp 1, học trường tiểu học công lập theo đúng hộ khẩu. Lớp cháu có sĩ số ít nhất khối 1 thì cũng là 60 em/lớp. Tôi cứ tự hỏi không hiểu khi cô giáo dạy lớp đông học sinh như thế, thì làm sao có thời gian để quan tâm từng em? Khi con vào học THCS sĩ số chỉ còn 45 em/lớp. Đến THPT sĩ số là 42 học sinh/lớp. Như vậy, cũng đã cảm thấy rất tốt rồi chứ không dám mơ đến con số 35 học sinh.
Đến cháu thứ 2 học tiểu học, tôi cho con học trường tư với sĩ số quy định không quá 25 học sinh/1 lớp. Thực tế, lớp con tôi chỉ có 20 em. Ngoài ra, nhà trường còn phân công mỗi lớp có 2 giáo viên phụ trách lớp. Vì thế, giáo viên có thời gian quan tâm đến học sinh nhiều hơn so với trường công lập.
Tất cả mọi hoạt động học tập, vui chơi của học sinh trên lớp đều được hai giáo viên cập nhật kịp thời đến phụ huynh. Trường tư làm được như vậy là vì mức thu học phí cao hơn, lương trả cho giáo viên cũng cao hơn trường công lập.
Sơ với khoảng 10 năm trước, nay sĩ số bình quân học sinh/lớp các cấp của Hà Nội đã giảm nhiều. Cụ thể từ chỗ trên dưới 60 học sinh/ lớp ở tiểu học, hiện tại sĩ số bình quân chỉ còn trên 38 học sinh/lớp. Theo số liệu của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội), hiện Hà Nội có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp ở 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn là 37 học sinh/lớp.
Có thể thấy, với số trường học còn ít so với số học sinh hiện nay, diện tích phòng học nhỏ, các dãy bàn chật kín cả lối đi, gây khó khăn cho việc dạy và học. Lớp đông, giáo viên cũng không thể kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng em trên lớp. Các trường công lập ở Hà Nội đa số như vậy, làm sao có thể thực hiện quy định 35 học sinh/lớp?
Với sĩ số quá đông như hiện nay, muốn giảm sĩ số buộc phải có thêm phòng học, xây thêm trường, có thêm giáo viên mới có thể san sẻ sĩ số, tách lớp. Nhưng hiện nay chỉ còn gần một tháng nữa là năm học mới bắt đầu, Hà Nội sẽ làm cách nào để làm được điều đó?
Theo tôi, việc giảm sĩ số học sinh cần có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện. Việc áp dụng luôn trong năm học tới là không khả thi đối với Hà Nội. Bởi lẽ, phòng học có hạn, giáo viên không tăng, thậm chí còn bị tinh giản biên chế, sĩ số lớp học lớn khiến giáo viên rất áp lực vì quá nhiều “đầu” công việc phải triển khai ngoài việc làm chuyên môn.
Là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước ở nhiều cấp học, việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội đặt ra trong nhiều thập niên qua. Không chỉ quận Hà Đông mà các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… hằng năm cũng chịu áp lực rất lớn về tuyển sinh đầu cấp do tăng dân số cơ học. Nhiều năm trở lại đây, các quận đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm phòng học, tách trường, tuy nhiên sĩ số lớp học giảm chưa đáng kể.
Xác định việc giảm sĩ số học sinh/lớp là giải pháp quan trọng, bền vững để vừa nâng cao chất lượng dạy học, vừa bảo đảm quyền lợi của từng học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Đây cũng là định hướng xuyên suốt được toàn ngành kiên trì triển khai từ nhiều năm nay, nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và không để xảy ra tình trạng nơi quá tải, nơi khó tuyển sinh.
Thiết nghĩ, giải pháp để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp trong thời gian tới, gồm: Rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học; quản lý chặt chẽ các đất được quy hoạch cho giáo dục; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp; kiên trì giải pháp tăng cường đầu tư kinh phí để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô trường, phòng học.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT phải yêu cầu các Phòng GD&ĐT tổ chức điều tra chính xác số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, làm cơ sở để tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Đồng thời, quan tâm đầu tư toàn diện để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.
Sở GD&ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh; có chính sách để hỗ trợ trường ngoài công lập phát triển vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, vừa giảm áp lực cho các trường công lập trong công tác tuyển sinh; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề để học sinh sau khi được đào tạo có việc làm, thu nhập tốt sẽ thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.
Cần thực hiện linh hoạt các giải pháp để tháo gỡ từ từ các khó khăn về sĩ số. Trong đó, các trường linh hoạt tổ chức hình thức lớp học. Riêng đối với những trường theo mô hình trường tiên tiến hội nhập và chuẩn quốc gia thì đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp và thực hiện hai buổi/ngày.