Quy định 37 chặn đứng hành vi đảng viên nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài

Các ý kiến cho rằng, Quy định mới về những điều đảng viên không được làm vừa được ban hành là rất cần thiết, phù hợp tình hình thực tiễn.

Điểm mới trong Quy định về những điều đảng viên không được làm

Mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW (Quy định 37) về những điều đảng viên không được làm. Trước đó, ngày 1/11/2011, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 47-QĐ/TW. So với Quy định 47, quy định mới – Quy định 37 cũng gồm 19 điều nhưng đã được bổ sung thêm những việc mà đảng viên không được làm.

Tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa 13 vừa qua, Trung ương đã thống nhất cao việc ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, quy định mới sẽ là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Hội nghị Trung ương 4 Khóa 13 vừa qua, Trung ương đã thống nhất cao việc ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm.

Quy định 37 gồm những điểm mới, như thay đổi thứ tự một số điều theo thứ tự từ Điều 1 đến Điều 19 của quy định cũ. Trong đó, quy định đảng viên không được “không chấp hành” hay không được “tự ứng cử, nhận đề cử” khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép được đưa từ Điều 7 lên Điều 2.

Quy định mới cũng bổ sung thêm một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Cụ thể: Tại Điều 3 là: Đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.

Không được “đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý” (Điều 6).

Không được “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định” (Điều 9).

Không được “có hành vi chạy chức chạy quyền”, “tham ô” hay “thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội” (Điều 18)…

Quy định 37 cũng bổ sung thêm quy định, đảng viên không được “lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” tại Điều 11.

Tại Điều thứ 13, Quy định 37 cũng nêu rõ: Đảng viên không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Đây là điểm mới so với Quy định 47.

Chặn đứng hành vi đảng viên nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thủ đô cho biết, việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm thời gian qua theo Quy định 47 đã có những kết quả tốt, hạn chế những hành vi tiêu cực của đảng viên; tuy nhiên vẫn có những điểm chưa chặt chẽ, thiếu một số nội dung nên một số người đã lợi dụng để tẩu tán tài sản như ngấm ngầm chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp hoặc để vợ con, người thân đứng tên các tài sản khổng lồ. Đến khi họ vướng vào vòng lao lý thì Nhà nước không thu hồi được tài sản và đặc biệt khi bị “đánh động" thì trốn đi nước ngoài vì họ đã có quốc tịch và nhà cửa tại nước họ định đến.

Do đó, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm của Ban Chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành là phù hợp với tình hình thực tiễn.

PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thủ đô.

“Quy định 37 là thích hợp, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay để ngăn cản những hiện tượng như Kết luận tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa 13 là chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trước đây, đảng viên vẫn có người chuyển tiền đi nước ngoài, nhập quốc tịch nước ngoài thì bây giờ Quy định 37 sẽ chặn đứng việc này”, bà Bùi Thị An nói.

Về điểm mới trong Quy định 37 là đảng viên không được “thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng đây là quy định rất đúng bởi đã là đảng viên thì phải có trách nhiệm đối với xã hội. Nhưng theo bà An, quy định là rất đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng cách thức tổ chức thực hiện, đánh giá như thế nào về hành vi “thờ ơ, vô cảm” thì phải có giải pháp cụ thể.

“Phải có những giải pháp rất cụ thể bởi hành vi, hiện tượng ‘thờ ơ, vô cảm’ rất trừu tượng, do đó, tôi kiến nghị Bộ Chính trị, Trung ương đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá hành vi này bởi nếu không quá trình thực hiện hiệu quả có thể giảm đi”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Ủng hộ với Quy định 37 về 19 điều đảng viên không được làm đã được bổ sung nhiều điểm mới, ông Nguyễn Tiến Năng - Nguyên trợ lý cố Thủ tướng Chính Phủ Phạm Văn Đồng cho rằng, quy định đã đưa ra những điều rất cụ thể nhưng tổ chức thực hiện để đạt hiệu quả cao là việc rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Tiến Năng, thời gian qua, Quy định 47 cũng đã quy định rõ 19 điều đảng viên không được làm nhưng vi phạm vẫn xảy ra. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện ra những vi phạm cũng còn chưa kỹ, chưa tốt. Đến lúc phát hiện ra cũng chưa giải quyết một cách mạnh mẽ, rốt ráo.

Ông Nguyễn Tiến Năng nêu ví dụ như thời gian qua, trong dịch COVID-19, đã có những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ nhưng lợi dụng dịch bệnh để vi phạm, tham ô, tham nhũng trong mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế đã khiến dư luận nhân dân rất bức xúc.

“Theo tôi việc đưa ra Quy định mới là rất cần thiết, phù hợp nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả; cùng với đó là kiểm tra, giám sát, phát hiện và thi hành kỷ luật phải nghiêm minh. Bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì mà vi phạm nếu đến mức nghiêm trọng thì phải khai trừ ra khỏi Đảng…”, ông Nguyễn Tiến Năng nhấn mạnh.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-dinh-37-chan-dung-hanh-vi-dang-vien-nhap-quoc-tich-chuyen-tien-tai-san-ra-nuoc-ngoai-post163975.html