Quy định 96 bổ sung nhiều tiêu chí đánh giá cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt hơn
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96) có nhiều điểm mới, cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhằm mục đích đánh giá đúng, sử dụng đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc; kịp thời thay thế những cán bộ có năng lực hạn chế, vi phạm khuyết điểm, uy tín thấp.
PV: Quy định 96 đã bổ sung nhiều tiêu chí cụ thể trong đánh giá cán bộ, phạm vi lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa thực tiễn của việc ban hành Quy định này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Trước tiên cần thống nhất nhận thức rằng, Quy định 96 của Bộ Chính trị liên quan công tác cán bộ - một vấn đề cực kỳ quan trọng, đã được nhấn mạnh rất đậm nét ở Đại hội XIII của Đảng. Thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều công sức, trí tuệ, thời gian cho việc thể chế hóa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96 cũng là một bước nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Đây cũng là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; đồng thời là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức Đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Nhìn lại cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, chúng ta cũng bị mất mát nhiều cán bộ. Đây là điều mất mát lớn nhất, đau xót nhất như đồng chí Tổng Bí thư đã nói. Nếu mất mát về kinh tế có thể nhanh chóng làm ra và bù đắp lại, nhưng mất mát, thất thoát cán bộ sẽ để lại hậu quả lớn hơn, phức tạp, lâu dài hơn. Và, việc khắc phục không phải chuyện một sớm một chiều.
Đây không phải là lần đầu Bộ Chính trị ban hành quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, trước đó, đã có các Quy định số 165 (năm 2013), Quy định số 262 (năm 2014). Mọi quy định, cơ chế chính sách sau khi được ban hành và đưa vào thực tiễn đều phải được thường xuyên tổng kết để thấy được những điều phù hợp, những điều còn bất hợp lý, điều gì còn thiếu cần phải bổ sung... Đây là một chủ trương, quan điểm hết sức đúng đắn của Đảng ta.
Sau 9 năm thực hiện Quy định số 262, về cơ bản những nội dung của Quy định này vẫn phù hợp và cần thiết, tuy nhiên có một số điểm có thể chưa cụ thể, chưa thực sự rõ và phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96 nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, tiếp tục thực hiện chủ trương này, trong đó có những điểm mới, cụ thể hơn và đặc biệt là mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Ví dụ như trong Quy định 262 trước đây, xác định kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một “kênh tham khảo” để đánh giá cán bộ. Nhưng với Quy định 96, đó không còn là “kênh tham khảo” nữa, mà căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, tùy theo kết quả để quyết định đưa ra khỏi quy hoạch, miễn nhiệm, cho từ chức hay bố trí công việc khác phù hợp. Như vậy, Quy định 96 ra đời nhằm mục đích đánh giá đúng, sử dụng đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc; kịp thời thay thế những cán bộ có năng lực hạn chế, vi phạm khuyết điểm, uy tín thấp.
PV: Theo ông, việc xác định 3 mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp", thể hiện điều gì trong việc đánh giá phẩm chất, năng lực của người được lấy phiếu tín nhiệm? Yêu cầu đặt ra như thế nào để ngăn ngừa việc làm hình thức, “cào bằng”?
Ông Nguyễn Đức Hà: Việc xác định 3 mức "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" đã có từ những quy định trước đây. Thực tế trong dư luận xã hội đã có ý kiến cho rằng chỉ nên làm 2 mức "tín nhiệm" và "bất tín nhiệm". Việc xác định 3 mức độ tín nhiệm đã được Bộ Chính trị xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Cần phải thống nhất nhận thức mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để xử lý một ai đó, mà cái chính là nhằm giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", thấy được những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân.
Nếu chỉ sử dụng hai mức "tín nhiệm" và "bất tín nhiệm" thì ranh giới rộng quá. Khi chia ra 3 mức sẽ giúp việc đánh giá cán bộ được sát, định lượng, cụ thể hơn, người được lấy phiếu cũng dễ dàng nhận ra ưu điểm để phát huy và khắc phục sửa chữa nếu còn điều gì làm chưa tốt, thậm chí là tự giác xin chuyển vị trí công tác phù hợp với năng lực của mình.
Làm thế nào để kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực tế khách quan, đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, tránh việc làm hình thức, “cào bằng”, luôn là yêu cầu trong mọi quy định của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm. Quy định 96 đã nói rõ quy trình các bước, tiêu chí, nội dung tiến hành, thành phần hội nghị, đồng thời xác định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với cán bộ. Theo đó, các cấp ủy phải tổ chức như thế nào, có chương trình, kế hoạch chỉ đạo sâu sát; cơ quan tham mưu cho cấp ủy về việc này cũng phải làm tốt việc của mình; trách nhiệm người được lấy phiếu, người ghi phiếu…
Việc quy định chi tiết, cụ thể như vậy cũng là để cơ quan, tổ chức, người được lấy phiếu và người ghi phiếu phải đề cao trách nhiệm, làm sao để kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực chất, đảm bảo khách quan. Quy định cũng nghiêm cấm việc vận động làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Người ghi phiếu phải vì cái chung, không được vì động cơ cá nhân hay tư tưởng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Bản thân người được lấy phiếu phải báo cáo trung thực, đầy đủ, cụ thể.
PV: Quy định số 96 đưa “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình” vào tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm. Ông đánh giá thế nào về sự bổ sung tiêu chí này trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Hà: Xuất phát từ tình hình thực tế, quy định lần này của Bộ Chính trị đã nói rất rõ tiêu chí này. Những năm vừa qua, chúng ta phải xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Hầu hết những trường hợp cán bộ đảng viên vi phạm phải xử lý thì khuyết điểm đầu tiên thường là vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng chưa bao giờ Đảng ta nhấn mạnh vấn đề nêu gương như hiện nay. Cả 3 cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đều ban hành quy định về nêu gương, trong đó Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị có Quy định 55 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Ban Bí thư có Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Vì vậy, Quy định số 96 cũng nhấn mạnh vấn đề nêu gương, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Suy cho cùng, những vụ việc tiêu cực đã xảy ra đa phần có nguyên nhân từ sự không gương mẫu, dẫn đến tham ô, tham nhũng, lãng phí…
PV: Cũng liên quan câu chuyện nêu gương như ông vừa nói, Quy định 96 xác định việc lấy phiếu tín nhiệm còn xét sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Vấn đề này đã được đề cập trước đây và được nhấn mạnh ở Quy định 96. Điều này là cần thiết và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; công tác cán bộ. Bản thân người cán bộ phải gương mẫu chấp hành, nhưng người thân của họ cũng phải chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đó là điều đương nhiên phải làm.
PV: Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, theo ông, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần lưu ý vấn đề gì để Quy định 96 của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả?
Ông Nguyễn Đức Hà: Xin nêu một thực tế, tại sao trước đây khi chưa có quy trình, công tác cán bộ vẫn được thực hiện tốt, chọn được đúng người. Sau này, chúng ta đã có nhiều quy định, quy trình, về tổng thể là tốt hơn trước, nhưng vẫn có trường hợp chọn không đúng người. Vấn đề xuyên suốt ở đây chính là yếu tố con người, do con người quyết định. Cán bộ tốt, vì lợi ích chung thì dù chưa có quy trình sẽ tìm cách để làm tốt hơn. Ngược lại, có quy trình, cơ chế chặt chẽ, nhưng nếu cán bộ không tốt sẽ luôn tìm kẽ hở để “lách luật”, để thực hiện ý đồ cá nhân của mình.
Để triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả Quy định 96 và các quy định khác của Đảng, thì điều đầu tiên là phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức đúng về mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm; đề cao trách nhiệm vì lợi ích chung, vì Đảng, vì nhân dân, đặc biệt là xác định cho rõ trách nhiệm của mỗi cấp, từng cơ quan, đơn vị và cá nhân khi tham gia vào việc này.
PV: Ông kỳ vọng như thế nào về sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ đảng viên khi được đánh giá bằng phiếu tín nhiệm?
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi rất tin tưởng nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên khi được đánh giá bằng phiếu tín nhiệm sẽ được nâng lên hơn nữa. Một điều tôi thấy tâm đắc ở Quy định số 96 này chính là tính kịp thời trong việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Chúng ta căn cứ vào kết quả tín nhiệm để ra quyết định ngay mà không đợi đến hết nhiệm kỳ công tác hay hết thời hạn bổ nhiệm. Tính kịp thời ở đây cũng thể hiện tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng ta trong việc xử lý những trường hợp không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực.
PV: Xin cảm ơn ông!
THANH SƠN (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.