Quy định 96 - điểm nhấn trong công tác lựa chọn cán bộ
Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ban hành đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và người dân. Dư luận cho rằng, nếu Quy định số 96-QĐ/TW được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, người bỏ phiếu trung thực, khách quan thì lá phiếu sẽ là thước đo uy tín, năng lực của cán bộ các cấp.
Việc làm không mới
Ông Huỳnh Văn Nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị là việc làm không mới trong tổ chức Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96 gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng ta.
Ông Huỳnh Văn Nước cho rằng, Quy định số 96-QĐ/TW có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về nội dung này. Quy định số 96 đã cập nhật bối cảnh mới, tình hình mới, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh tâm đắc với một trong những điểm mới của Quy định số 96, đó là xem xét cả sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp người thân của cán bộ đã lợi dụng sức ảnh hưởng, vị trí của cán bộ lãnh đạo để trục lợi, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm uy tín của Đảng. “Tôi cho rằng điểm mới này cũng chính là điểm nhấn của Quy định số 96 nhận được sự đồng tình nhất trí cao” - ông Huỳnh Văn Nước bày tỏ.
Ông Huỳnh Văn Nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Huỳnh Kim Tiền, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đánh giá bản thân cán bộ đó mà còn xem xét đến vợ hoặc chồng, con trong việc chấp hành các quy định pháp luật, là điều hết sức đúng đắn và lẽ ra phải làm từ lâu. Thực tế thời gian gần đây, nhiều cán bộ từ chức hoặc bị miễn nhiệm, bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố đều do sự không gương mẫu của bản thân, trong đó có nhiều người do sự không gương mẫu của vợ hoặc chồng, con cái trong gia đình của họ. “Việc đánh giá từng thành viên trong gia đình là điều đáng làm, tuy có hơi muộn nhưng tôi tin rằng sẽ khắc phục được tình trạng một người làm quan, cả họ được nhờ” - ông Tiền nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Kim Tiền, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước
Đạo đức cán bộ phải đặt lên hàng đầu
Quy định số 96 khá sát với thực tế bởi tránh được trường hợp cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám va chạm có thể bị “tín nhiệm thấp”, ngược lại, những người ít va chạm lại được “tín nhiệm” cao.
Cựu chiến binh Huỳnh Văn Nước thừa nhận, trên thực tế có trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm thường có phiếu tín nhiệm thấp, bởi hay va chạm. Ngược lại, những cán bộ yên phận, không dám làm thì nhiều khi lại được phiếu tín nhiệm cao vì không va chạm với ai. “Tuy nhiên, theo tôi, nếu chúng ta thực hiện đúng nội dung trong Quy định số 96, kết hợp thực hiện tốt Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì sẽ không có trường hợp đó xảy ra”.
Theo ông Huỳnh Kim Tiền, không phải cán bộ dám nghĩ, dám làm hay làm nhiều sẽ có phiếu tín nhiệm thấp mà quan trọng là lương tâm, đạo đức của người cán bộ. Từ lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, ông Huỳnh Kim Tiền cho rằng đạo đức và trách nhiệm của người cán bộ là hết sức quan trọng chứ không phải làm nhiều hay làm ít. Ông Tiền dẫn chứng: Năm 2015, ông chuyển từ bệnh viện sang làm Hiệu trưởng Trường trung cấp Y tế Bình Phước. Thời điểm đó, công tác tuyển sinh của trường gặp không ít khó khăn, đời sống của cán bộ, nhân viên rất thấp. Năm 2016, nhà trường tham mưu lãnh đạo tỉnh cùng ra Hà Nội xin chủ trương của Bộ Y tế cho phép trường chuyển đổi ngành đào tạo từ điều dưỡng sang y sĩ, trở thành trường trung cấp đầu tiên trong cả nước được đào tạo chuyên ngành y sĩ. “Thời điểm đó, mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 3.000 chỉ tiêu; thu nhập của cán bộ, nhân viên nhà trường tăng gấp 2 lần so với trước đó” - ông Tiền chia sẻ.
Ông Hoàng Lộc, đảng viên cao tuổi Đảng, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài
Công tâm, khách quan khi tham gia bỏ phiếu
Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nhằm ghi nhận, đánh giá những người được phiếu tín nhiệm cao; đồng thời với những cán bộ chưa thật tốt, phiếu tín nhiệm không cao có điều kiện suy ngẫm để tự soi, tự sửa.
“Theo tôi, nên tổ chức lấy thêm phiếu tín nhiệm cán bộ ở nơi cư trú, bởi chỉ có những người sống gần gũi với nhau ở khu dân cư mới thấy được gia đình, vợ, con và bản thân cán bộ đó có gương mẫu hay không, có tinh thần trách nhiệm ở khu dân cư không, thì mới trọn vẹn được” - ông Hoàng Lộc, đảng viên cao tuổi Đảng, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài nêu quan điểm.