Quy định 96 - lá phiếu tín nhiệm như 'lửa thử vàng'
Lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như 'lửa thử vàng', tạo áp lực cần thiết và là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Mới đây, thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Một lần nữa, cụm từ “lấy phiếu tín nhiệm” lại được dư luận quan tâm và nhắc nhiều hơn bao giờ hết. Người dân kỳ vọng mãnh liệt, đây sẽ là một một bước tiến tới luật hóa các chủ trương của Đảng, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền, không để vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực.
Quy định 96 lần này có nhiều điểm mới, được cụ thể hóa hơn cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy định này được xem là tiếp tục cụ thể hóa Quy định 41 của Đảng về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Đặc biệt, một điểm mới đáng chú ý hơn cả trong Quy định 96, đó là đã bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ của bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý đó mà còn của cả vợ, chồng, con cái họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thêm nữa, còn xem xét trách nhiệm nêu gương của cán bộ khi lấy phiếu tín nhiệm.
Nếu những lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây chỉ là "kênh thông tin tham khảo trong đánh giá cán bộ" thì nay, với Quy định 96, hoạt động này đã trở thành yếu tố để “sử dụng đánh giá cán bộ”. Đây thực sự là một bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như "lửa thử vàng", trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây.
Lâu nay, lấy phiếu tín nhiệm được xem là một cơ chế để giám sát quyền lực và vận hành chế độ trách nhiệm chính trị. Đã là cán bộ có chức có quyền thì phải hành xử và làm việc thế nào để bảo đảm được sự tín nhiệm. Không còn được tín nhiệm thì sẽ không còn được giữ được chức, quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt để truy trách nhiệm và tất nhiên, cũng không phải để loại trừ ai mà cần phải xem lá phiếu như một tấm gương soi, giúp họ “tự soi, tự sửa”; tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác, hoàn thiện bản thân.
Hay hiểu một cách đầy đủ hơn, lấy phiếu tín nhiệm cũng như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra áp lực cần thiết để người cán bộ được lấy phiếu phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Và đương nhiên, người có tín nhiệm thấp, uy tín giảm sút thì sẽ không xứng đáng tiếp tục giữ chức vụ mà nên nghỉ để người khác thay thế. Hãy xem việc phải từ chức hoặc chuyển công việc khác phù hợp là chuyện bình thường. Còn cái không bình thường chính là ở chỗ, làm việc kém mà vẫn cố ngồi “giữ ghế”, bất chấp liêm sỉ, danh dự, chỉ nghĩ đến lợi ích cho bản thân, gia đình.
Nhưng cũng cần nhấn mạnh, muốn cho người được đánh giá tâm phục khẩu phục thì lá phiếu tín nhiệm ấy phải khách quan, công tâm, công bằng, không bị chi phối bởi cảm tình, nể nang hay vì bất cứ một ý do nào khác. Điều đó không chỉ để tránh tình trạng người có thực tài, thực tâm lại bị loại trừ, người có năng lực yếu kém thì ung dung tồn tại mà nó còn là niềm tin của nhân dân đối với sự công bằng.
Hẳn nhiên, dù có bao nhiêu quy chế, quy định cũng không thể đầy đủ nếu cán bộ không tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và tác phong, thái độ phục vụ nhân dân. Quy định 96 lần này của Bộ Chính trị sẽ như một lời cảnh tỉnh, đánh thức lòng tự trọng, đồng thời là sự răn đe, nếu không tự rút lui thì sẽ bị xem xét xử lý. Đây là một bước hoàn thiện thêm quy chế, quy chuẩn, thể hiện tính nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn trong công tác cán bộ của Đảng./.