QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VIỆC SỬ DỤNG MẶT ĐẤT, LÒNG ĐẤT, ĐÁY SÔNG, ĐÁY BIỂN, ĐỂ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG
Tại phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trong Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, hợp lý việc sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông.
Đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí hạ tầng kỹ thuật viễn thông
Kể từ khi có hiệu lực thi hành, Luật Viễn thông năm 2009 và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, phát triển thị trường viễn thông đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi luật Viễn thông nhằm bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số.
Nhấn mạnh sự sửa đổi là cần thiết, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nêu rõ, dự thảo luật sẽ tạo thuận lợi cho việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông trên đất công, trụ sở công, công trình công: dự thảo Luật thể chế hóa Nghị quyết 52-NQ/TW xác định hạ tầng viễn thông là cơ sở hạ tầng thiết yếu nên cần được tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, lắp đặt trước hết là trên các khu vực đất công, trụ sở công, công trình công. Hoàn thiện quy định tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có quyền sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất công để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo đúng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định, phí quyền hoạt động viễn thông là khoản tiền tổ chức trả cho Nhà nước để được quyền thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông. Phí quyền hoạt động viễn thông được xác định trên cơ sở phạm vi, quy mô mạng viễn thông; số lượng và giá trị tài nguyên viễn thông được phân bổ; mức sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển để thiết lập mạng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.
Bên cạnh đó, về quy hoạch công trình viễn thông, dự thảo Luật nêu rõ, công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác; ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Quy định chặt chẽ việc sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông
Liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng có quyền “được sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất công để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo đúng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” (điểm a khoản 3 Điều 13) là chưa chặt chẽ vì bên cạnh việc tuân thủ quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khi xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, việc sử dụng tài sản công phải tuân thủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, đề nghị rà soát để quy định cho phù hợp, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và các luật có liên quan khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ ra rằng, khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật quy định công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác; ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát các luật liên quan (như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công) để thống nhất các quy định, khái niệm liên quan như đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này là phải thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về cơ chế thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông quan trọng. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ cơ sở hạ tầng viễn thông nào Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, cơ sở hạ tầng viễn thông nào cần khuyến khích, thu hút doanh nghiệp để xây dựng, phát triển gắn với các quy định cụ thể.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn chỉ rõ, điểm a, khoản 3, Điều 13 quy định, các doanh nghiệp có quyền được sử dụng không gian mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất công để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đây là một quy định quan trọng, liên quan đến rất nhiều luật. Đất này là của ai, không gian ngầm của ai, có những không gian liên quan đến quốc phòng, an ninh… phải được tính toán như thế nào? Nếu quy định chung chung như trong dự thảo luật sẽ dẫn đến quyền của các doanh nghiệp viễn thông là tương đối lớn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, đây là một vấn đề cần phải cân nhắc để để cụ thể hóa hơn, đảm bảo tuân thủ theo các quy định của luật khác, tránh xung đột trong hệ thống pháp luật.
Cũng quan tâm đến quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có quyền sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất công để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần quy định rõ quyền của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng và nghĩa vụ tương ứng. Đó là cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng theo những quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này, cụ thể, các doanh nghiệp phải đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo đúng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là nội dung các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để sửa đổi, hoàn thiện Luật nhằm thể chế hóa chủ trương xây dựng và phát triển, triển khai chiến lược phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới, theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, đảm bảo an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước khắc phục những vướng mắc, bất cập.
Đồng thời, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông và hạ tầng viễn thông. Mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong mối quan hệ đồng bộ với các cái luật về công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, giao dịch điện tử…
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ từng điều, khoản của Luật để đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi và luật hóa, cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung được kiểm nghiệm đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ và các Bộ quy định. Tiếp tục rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành để đảm bảo khả thi, tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật, tránh vướng mắc khi áp dụng.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74894