Quy định chế tài cụ thể để xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 6/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo nội dung báo cáo, việc sửa đổi lần này nhằm khắc phục những bất cập kéo dài suốt gần hai thập kỷ thi hành luật, tạo hành lang pháp lý thông suốt cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

Phân cấp để quản lý minh bạch, hiệu quả

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu, đóng vai trò là nền tảng pháp lý chủ đạo để kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, sau gần 17 năm áp dụng, luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc, nhất là tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch trong phân công và phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ thực tế có nhiều sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 cùng lúc bị kiểm tra bởi nhiều bộ quản lý chuyên ngành khác nhau. Các quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 được ban hành riêng rẽ dẫn tới hiện tượng trùng lắp, mỗi nơi thực hiện một kiểu, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Tình trạng này không chỉ làm tăng gánh nặng thủ tục mà còn kéo dài thời gian thông quan, phát sinh chi phí không cần thiết và tạo ra rủi ro trong thực hiện pháp luật.

Để tháo gỡ những mâu thuẫn nêu trên, dự thảo luật đã đề xuất bãi bỏ cơ chế phân công theo từng sản phẩm, thay vào đó là nguyên tắc chung về phân công, phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể, Chính phủ sẽ thống nhất quy định danh mục hàng hóa nhóm 2 và giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức thực hiện. Điều này tạo điều kiện để các bộ không tự ý đưa ra các quy định kiểm tra riêng, tránh chồng chéo về thẩm quyền, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng theo hướng nhất quán, minh bạch và giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chỉnh sửa các quy định tại Điều 12 và Điều 19 của Luật hiện hành để bảo đảm sự thống nhất với Luật Phí và lệ phí. Theo đó, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ không còn phải nộp lệ phí như trước đây, giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều sức ép về chi phí đầu vào.

Điểm đáng chú ý khác là việc sửa đổi các điều khoản liên quan đến hoạt động hậu kiểm. Thay vì duy trì các thủ tục tiền kiểm gây chậm trễ, luật lần này hướng mạnh về hậu kiểm, giao quyền và trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan giám sát thị trường tại địa phương. Đây là bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc toàn bộ quy trình kiểm tra chất lượng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và phù hợp thực tiễn.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cùng với việc tinh gọn bộ máy quản lý, dự thảo Luật sửa đổi còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm soát chất lượng. Các nội dung như mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn điện tử được đưa vào luật như một phần không thể thiếu trong kiểm tra và giám sát hàng hóa lưu thông.

Trong đó, Điều 16 của dự thảo lần này là điểm mới đáng chú ý khi bổ sung nghĩa vụ đối với người kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử. Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến nhưng lại là khoảng trống lớn trong khung pháp lý hiện hành. Luật sửa đổi lần này yêu cầu người bán hàng trên môi trường mạng phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra vi phạm về chất lượng, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Điều này không chỉ tăng tính răn đe đối với hành vi gian lận thương mại mà còn củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong xu thế chuyển đổi số toàn diện của nền kinh tế, nơi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào môi trường số để lựa chọn sản phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc công bố hợp quy

Một bước đi quan trọng khác là làm rõ vai trò và cơ chế hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng. Theo luật hiện hành, yêu cầu “50% thành viên đoàn kiểm tra phải là kiểm soát viên” đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế tại nhiều địa phương. Do đó, dự thảo luật đã bỏ quy định cứng này và chỉ yêu cầu đoàn kiểm tra có sự tham gia của kiểm soát viên, tạo điều kiện cho địa phương chủ động bố trí nhân lực và đảm bảo tính linh hoạt trong thực hiện.

Để đảm bảo sự tương thích trong hệ thống pháp luật, dự thảo luật đã được rà soát và điều chỉnh nhằm đồng bộ với Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Phí và lệ phí, đồng thời, luật cũng được nội luật hóa phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP.

Cơ bản thống nhất với các chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật), về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng; xã hội hóa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.

Về hạ tầng chất lượng quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nếu tích hợp nội dung về Hạ tầng chất lượng quốc gia vào Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ góp phần thúc đẩy, phát triển toàn diện, đồng bộ; phù hợp với bản chất và bảo đảm thống nhất trong quản lý, điều phối. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, thu hút chuyển toàn bộ nội dung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia từ dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật sang dự thảo Luật này và quy định cụ thể hơn.

 Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. (Ảnh: TTXVN)

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà tổ chức, cá nhân đó áp dụng dựa trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân là cần thiết.

Để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, tạo cơ sở pháp lý để quy định công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp trong Luật Chất lượng sản phẩm hóa, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản tối đa thủ tục hành chính; chỉ thực hiện đánh giá một lần làm cơ sở cho việc công bố tránh chồng chéo, trùng lặp.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc công bố hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm thực hiện thống nhất ở các bộ chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa; đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-dinh-che-tai-cu-the-de-xu-ly-vi-pham-ve-chat-luong-san-pham-hang-hoa-post1036825.vnp