Quy định cụ thể đối với nhà lưu trú cho công nhân

Cần phải có quy định hết sức cụ thể về phòng cháy, chữa cháy, công tác an toàn, về giá, mức hỗ trợ đối với nhà lưu trú cho công nhân.

Thảo luận tại Tổ 19, sáng 21/5. Ảnh: Khánh Duy

Thảo luận tại Tổ 19, sáng 21/5. Ảnh: Khánh Duy

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) thảo luận về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) bày tỏ sự đồng tình rất cao với việc ban hành Nghị quyết thí điểm.

Theo đại biểu, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta đang thực hiện, bước đầu đã đạt được kết quả. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định về mặt thể chế và cần có các chính sách để tháo gỡ, trên cơ sở đó, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nhà ở xã hội.

Bày tỏ cơ bản đồng tình với các nhóm chính sách trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng lưu ý, tại khoản 1 Điều 4 quy định Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập bởi Trung ương hoặc địa phương. Nhưng khoản 2 lại quy định Quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách các cấp.

Theo đại biểu, mâu thuẫn ở chỗ, tại khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước quy định, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Nội dung này của Luật Ngân sách nhà nước vẫn được giữ nguyên tại khoản 12 Điều 8 của dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Chín này. Như vậy ngay tại Điều 4 đã mâu thuẫn với nội dung giữa hai khoản thu, dẫn đến câu chuyện khó thực hiện trong thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam đồng tình việc ngân sách nhà nước sẽ huy động vào quỹ này là chủ đạo, nhưng câu chuyện đặt ra là quỹ địa phương là do ngân sách địa phương đảm nhận; có những địa phương chưa cân đối được nguồn thu ngân sách thì lấy tiền đâu để bố trí vốn điều lệ cho quỹ này?

Do đó, đại biểu đề nghị nội dung này trong dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ, đối với các địa phương chưa cân đối ngân sách cần có khoản ngân sách trung ương hỗ trợ để bổ sung vốn điều lệ; trên cơ sở đó hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện trong giai đoạn 5-10 năm, thì mới có tính khả thi.

Liên quan đến Quỹ nhà ở quốc gia, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thành Nam. Theo đại biểu, hiện quy định quỹ này còn mâu thuẫn với khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước, không được phép sử dụng ngân sách nhà nước vào quỹ này. Nếu áp dụng chính sách đặc thù, đại biểu đề nghị cần sửa luôn khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị bổ sung thêm điều về nhà lưu trú cho công nhân. Nhà lưu trú cho công nhân có thể nằm trong hoặc ngoài khu công nghiệp nhưng phải gắn với công nhân. Hiện, quy định về nhà lưu trú cho công nhân còn khá mờ nhạt, dù Luật Nhà ở có nêu vấn đề này nhưng vẫn còn chung chung. Đại biểu đề nghị, cần rà soát quy định về nhà lưu trú cho công nhân trong dự thảo Nghị quyết, trong đó, phải rà soát, quy định hết sức cụ thể phòng cháy, chữa cháy, công tác an toàn, về giá, mức hỗ trợ…

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về giám sát và đánh giá chất lượng nhà ở xã hội.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Liên quan đến Điều 5 giao cho chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, đây là thí điểm mạnh, khác so với Luật Nhà ở. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, danh sách chủ đầu tư không qua đấu thầu cần bảo đảm công khai, minh bạch, có sự giám sát để tránh sự lợi dụng chính sách của Nhà nước.

Tại Điều 9 về điều kiện nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở có nêu một số trường hợp thuộc đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định; trong đó có đưa ra điều kiện khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30km trở lên.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Tuy nhiên, nếu thật sự đưa vào nội dung này vào sẽ rất khó thực hiện. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai), cần làm rõ hơn để có quy định làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xác nhận và cũng đề nghị chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xác nhận đối với nội dung này.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quy-dinh-cu-the-doi-voi-nha-luu-tru-cho-cong-nhan-10373163.html